Việc định hướng tổ chức không gian, kiến trúc đô thị và điểm dân cư, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm hơn và tổ chức thực hiện theo hướng đặc thù riêng của từng đô thị, bám sát hiện trạng và nhu cầu thực tế của từng địa phương theo các quy hoạch ngành, lĩnh vực để dự báo. Công tác quản lý, lựa chọn các tổ chức tư vấn lập quy hoạch ngày càng được chú trọng, đã tập trung xem xét, đánh giá khá chặt chẽ và đầy đủ về năng lực chuyên môn.
Theo Chương trình phát triển đô thị tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2014 - 2020, định hướng đén năm 2030 phê duyệt tại Quyết định số 22/2014/QĐ-UBND ngày 19/8/2014 của UBND tỉnh, toàn tỉnh có 09 đô thị hiện trạng, gồm: 01 đô thị loại III (thành phố Tây Ninh), 02 đô thị loại IV (thị trấn Hòa Thành và Trảng Bàng), 06 đô thị loại V (các thị trấn: Gò Dầu, Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Châu Thành và Bến cầu). Ngoài ra, giai đoạn 2016 - 2020 còn phát triển mới các đô thị gồm: Đô thị mới Phước Đông - Bời Lời và 04 đô thị cửa khẩu: Mộc Bài, Xa Mát, Chàng Riệc, Kà Tum.
Các đô thị trên đã được tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chung xây dựng làm tiền đề triển khai nội dung chương trình phát triển đô thị của tỉnh, nhằm tổ chức tốt không gian, kiến trúc cảnh quan, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở, tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, đảm bảo an sinh xã hội, hoàn thành tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sau khi các đồ án quy hoạch đô thị được phê duyệt, việc tổ chức công bố công khai quy hoạch đô thị được duyệt cơ bản đã thực hiện đúng trình tự theo quy định dưới hình thức công bố công khai rộng rãi trên báo đài, trên pa-nô tại khu vực quy hoạch.
Từ năm 2000 đến nay có 9/9 đô thị hiện trạng đã lập quy hoạch chung trong đó 6/9 đồ án quy hoạch chung đã được điều chỉnh theo nhu cầu và phù hợp với tình hình thực tế. Các đô thị mới giai đoạn 2016 - 2020 hiện nay đã tổ chức lập và phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
Theo đó, thành phố Tây Ninh (là đô thị loại III) đã được triển khai lập các quy hoạch phân khu từ năm 2013, đến nay đã ban hành đồ án quy hoạch phân khu 4, 5, 6, và 7; đang lập và dự kiến phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu 1, 2, 3 trong năm 2017. Đối với các huyện đã được phê duyệt đồ án quy hoạch chung thị trấn, các quy hoạch chi tiết chia lô khu trung tâm thị trấn (đã được phê duyệt theo đồ án quy hoạch chung thị trấn phê duyệt từ năm 2000) hiện nay chưa điều chỉnh.
Đối với các đô thị mới Mộc Bài, khu đô thị cửa khẩu Xa Mát hiện trong quá trình xây dựng đồ án quy hoạch phân khu; các đô thị cửa khẩu trên địa bàn tỉnh: Kà Tum, Phước Tân, Vạc Sa đã phê duyệt quy hoạch phân khu làm cơ sở triển khai đầu tư, nâng cấp, khai trương cửa khẩu.
Tuy nhiên, theo Ban Kinh tế-Ngân sách tỉnh, chất lượng lập quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh chưa cao, dự báo các chỉ tiêu phát triển đô thị chưa sát thực tế, tính khả thi rất thấp, nhất là các đô thị cửa khẩu; không ít quy hoạch sau khi được phê duyệt phải điều chỉnh tổng thể hoặc điều chỉnh cục bộ nhiều lần (cụ thể là quy hoạch đô thị thành phố Tây Ninh); Hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng chưa cao; chưa kịp thời tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch theo quy định; một số quy định có liên quan chưa được quan tâm bổ sung, điều chỉnh kịp thời đã gây khó khăn cho công tác quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch và trật tự đô thị (xảy ra tình trạng tự chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô, tách thửa, ... không đúng theo quy hoạch phát triển đô thị được duyệt); Việc triển khai, thực hiện không ít dự án đầu tư phát triển đô thị chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt vẫn còn xảy ra đã phần nào làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý quy hoạch và đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.
Nguyên nhân của những tồn tại trên là do nhiều chỉ tiêu trong quy hoạch và chương trình phát triển đô thị chưa sát thực tế, một số chỉ tiêu còn theo ý chí chủ quan, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về tiêu chuẩn kinh tế-kỹ thuật, do đó tính khả thi còn hạn chế, gây nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện; Công tác phối họp trong lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện giữa các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác với quy hoạch xây dựng chưa thể hiện sự đồng bộ, thống nhất và khoa học; đặc biệt, tromg quá trình điều chỉnh quy hoạch đô thị và xây dựng chỉ mới thực hiện theo tính chất cục bộ, thiếu đồng bộ, chưa khoa học, chưa thống nhất với các mục tiêu, chỉ tiêu của các quy hoạch liên quan khác, nhất là quy hoạch sử dụng đất được duyệt; Nguồn lực ngân sách dành cho việc triển khai quy hoạch và chương trình phát triển đô thị còn nhiều hạn chế; đồng thời, hiệu quả kêu gọi và thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách chưa cao đã gây nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện các chỉ tiêu và mục tiêu của quy hoạch xây dựng đô thị và chương trình phát triển đô thị; vẫn còn nhiều dự án trong quy hoạch và chương trình được phê duyệt kéo dài thời gian thực hiện đã ảnh hưởng không ít đến đời sống và sản xuất của người dân trong khu vực quy hoạch; Đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách công tác thẩm định và tham mưu phê duyệt quy hoạch thiếu và yếu, chưa có nhiều cán bộ quản lý chuyên ngành về quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị đủ năng lực ở các cấp; đồng thời, đa số cán bộ, công chức chuyên môn về xây dựng và đô thị chưa được thường xuyên, kịp thời cập nhật, bổ sung kiến thức chuyên ngành; Năng lực quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng đô thị còn hạn chế, chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; chưa chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch thực hiện từng loại quy hoạch theo từng thời gian cụ thể, điều này dẫn đến nhiều chỉ tiêu, mục tiêu, dự án trong quy hoạch không khả thi, thiếu thực tế; Hiệu quả tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân trong việc thực hiện quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị chưa cao; việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về quản lý trật tự xây dựng đô thị chưa được các cấp chính quyền, ngành chức năng quan tâm, thực hiện tốt.
MN