Bảo đảm bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu (Ảnh Internet)
Kế hoạch được triển khai thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển mạng lưới thương mại và đa dạng hóa loại hình điểm bán hàng bình ổn thị trường nhằm đảm bảo hàng hóa bình ổn được phân phối rộng khắp đến người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng; Đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, đặc biệt là chuẩn bị tốt nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu, nguồn thực phẩm sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu tăng cao vào các dịp lễ, Tết, góp phần bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo Kế hoạch, công tác thực hiện bình ổn thị trường gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các mặt hàng tham gia Kế hoạch phải đảm bảo ít nhất một trong các nguyên tắc: Các mặt hàng thiết yếu, cần đáp ứng số lượng lớn và thường xuyên cho thị trường trên địa bàn tỉnh; Có tính chất nhạy cảm về giá cả, cung cầu; Các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp lễ, Tết Nguyên đán hoặc cần thiết đáp ứng cho nhân dân khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra.
Thời gian thực hiện bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh từ ngày 01/7/2024 đến 31/3/2025, gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ ngày 01/7/2024 đến 31/12/2024, thực hiện các hoạt động bình ổn hàng hóa đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân trong các ngày lễ cuối năm và Tết Dương lịch; dự trữ hàng hóa phòng chống thiên tai. Giai đoạn 2, từ ngày 01/01/2025 đến hết 31/3/2025, thực hiện các hoạt động bình ổn hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân cho dịp Tết Nguyên đán và các ngày lễ đầu năm.
Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và các quy định pháp luật khác có liên quan; các tổ chức tín dụng hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng, đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký tham gia.
Đối với các đơn vị sản xuất - kinh doanh khi đăng ký tham gia phải đáp ứng điều kiện: có thương hiệu, uy tín, năng lực sản xuất, kinh nghiệm kinh doanh các mặt hàng trong Kế hoạch này; có nguồn hàng cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, ổn định và xuyên suốt thời gian thực hiện; Có nhà xưởng, kho bãi; hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng; phương tiện vận chuyển phục vụ việc phân phối hàng hóa và bán hàng lưu động; Cam kết sản xuất, cung ứng hàng hóa đúng chủng loại, đủ số lượng theo kế hoạch, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ; niêm yết giá theo quy định, bán đúng giá đăng ký đã được duyệt; Đăng ký điểm bán hàng bình ổn thị trường trong thời gian thực hiện Kế hoạch; Có kế hoạch sản xuất - kinh doanh, tạo nguồn hàng khả thi; Ưu tiên những đơn vị đã tham gia tích cực trong những năm trước.
Đối với các tổ chức tín dụng khi đăng ký tham gia phải đáp ứng điều kiện: Căn cứ nhu cầu, khả năng và các quy định của pháp luật có liên quan để thực hiện việc đăng ký hạn mức tín dụng cho vay với lãi suất phù hợp; Xây dựng phương án cho vay và quy trình thẩm định cụ thể, chặt chẽ, đúng quy định pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời giải quyết thủ tục cho vay và giải ngân vốn vay theo quy định cho đơn vị tham gia Kế hoạch; Chịu trách nhiệm về việc xét duyệt, quyết định cho vay theo quy định pháp luật, theo nội dung đăng ký tham gia.
Các Nhóm hàng tham gia bao gồm: Nhóm I là Nhóm lương thực, thực phẩm thiết yếu ( Nhóm hàng lương thực, thực phẩm: Gạo; mì ăn liền, thực phẩm chế biến các loại; thịt các loại; trứng; thủy hải sản; rau, củ, quả; Nhóm hàng có nhu cầu cao trong thời điểm phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán: Nước giải khát, bia các loại, bánh, kẹo, mứt; Nhóm gia vị: Đường, dầu ăn, nước chấm các loại, bột ngọt, bột nêm các loại; Sản phẩm tiêu dùng gia đình: Nước rửa chén, chất tẩy rửa) và Nhóm II là Nhóm nhiên liệu: Xăng, dầu diesel, dầu hỏa, gas,…
UBND tỉnh giap Sở Công Thương là cơ quan chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp tham gia bình ổn kiểm tra tình hình thực hiện Kế hoạch.
Xem Kế hoạch 2327/KH-UBND tại đây.
Việt Hà