Đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ năm - 16/04/2020 17:00 98 0

Thực hiện quy định tại Chương V Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và Chương III của Thông tư số 01/2018/TT-VPCP, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 800/QĐ-UBND về tổ chức đánh giá giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh. 

​Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm hướng dẫn đánh giá chất lượng và tiến độ thực hiện việc hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết TTHC của Bộ phận Một cửa các cấp, công chức, viên chức thực hiện và cơ quan giải quyết TTHC, đồng thời xác định thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan trong giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Tại cấp tỉnh (Trung tâm Hành chính công) việc đánh giá giải quyết TTHC được thực hiện trên hệ thống máy tính khảo sát sự hài lòng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC của công chức tại các quầy của Trung tâm, đánh giá nội bộ theo Quyết định số 800/QĐ-UBND ngày 4/4/2019 bao gồm 09 Chỉ số như quá trình luân chuyển hồ sơ, chất lượng giải quyết TTHC, tỷ lệ hồ sơ đúng hạn trên tổng số hồ sơ theo quy định...Trung tâm tự đánh giá ở cấp tỉnh và thực hiện đánh giá ở cấp huyện, còn cấp huyện đánh giá cấp xã.
Tại cấp huyện và cấp xã, thực hiện theo Quyết định số 800/QĐ-UBND ngày 4/4/2019. Việc đánh giá được thực hiện bằng 09 tiêu chí như (chuyển hồ sơ, chất lượng giải quyết TTHC, tỷ lệ hồ sơ đúng hạn...). Ngoài ra, còn chấm điểm, xếp hạng đối với các Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã trong đánh giá giải quyết TTHC, đồng thời có lồng ghép vào việc chấm điểm chỉ số CCHC hàng năm đối với UBND cấp huyện, UBND cấp xã.
Trong năm 2019, UBND tỉnh Tây Ninh tiếp tục tiếp nhận và trả kết quả các TTHC tại Trung tâm Hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa của 09/09 huyện, thành phố và 95/95 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 477 TTHC thực hiện liên thông cùng cấp và thực hiện liên thông giữa các cấp chính quyền. Ngoài ra, UBND tỉnh đã triển khai, thực hiện quy trình liên thông trong giải quyết TTHC giữa ngành Thuế và ngành Tài nguyên - Môi trường trong khâu tính thuế, xác định nghĩa vụ tài chính cho người sử dụng đất, đến nay người sử dụng đất không phải đi lại nhiều lần giữa hai cơ quan này để thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai.UBND tỉnh cũng đã triển khai liên thông hồ sơ điện tử qua Chi cục Thuế cho tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Việc thực hiện hệ thống một cửa điện tử trên địa bàn tỉnh đã được đưa vào sử dụng tại 100% sở, ban, ngành tỉnh, 100% UBND cấp huyện và 100% cấp xã để thực hiện tiếp nhận và quản lý tất cả các hồ sơ theo thủ tục hành chính thuộc tất cả các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện một cửa điện tử giúp cá nhân và tổ chức có thể thực hiện kiểm tra, tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ bằng nhiều hình thức như hệ thống tin nhắn SMS, Kiosk tra cứu thông tin bằng mã vạch, màn hình cảm ứng hoặc tra cứu qua Cổng Hành chính công tỉnh Tây Ninh (Zalo). Số hồ sơ trễ hạn chủ yếu là do công tác phối hợp giải quyết TTHC hoặc công tác thẩm định các nội dung trong hồ sơ còn chậm như Sở Giao thông vận tải, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường,... và UBND một số huyện như thành phố Tây Ninh, Châu Thành,... Ngoài ra, tại một số cơ quan, mặc dù đã giao trả hồ sơ cho người dân nhưng công chức xử lý hồ sơ không thực hiện thao tác kết thúc trên phần mềm, nên phần mềm báo giải quyết trễ hạn.
Đỗ Duy Linh




Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây