Quy định này quy định chi tiết về nguyên tắc, điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành trong giải quyết tranh chấp đất đai do người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh Tây Ninh ban hành đã có hiệu lực pháp luật (gọi chung là quyết định có hiệu lực pháp luật) mà một hoặc các bên tranh chấp và tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan không tự nguyện chấp hành; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định có hiệu lực pháp luật.
Đối tượng áp dụng là người phải chấp hành quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng không tự nguyện chấp hành. Người có thẩm quyền, cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành quyết định cưỡng chế theo Quy định này.
Việc cưỡng chế chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế bằng văn bản của người có thẩm quyền và được tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Trước khi tổ chức cưỡng chế phải thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục và thuyết phục các bên tranh chấp, người có quyền và nghĩa vụ liên quan tự nguyện, tự giác chấp hành quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Tôn trọng sự thỏa thuận không trái pháp luật và đạo đức xã hội của các bên tranh chấp, người có quyền và nghĩa vụ liên quan ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình thi hành quyết định cưỡng chế.
Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính. Không tổ chức cưỡng chế trong các thời điểm sau: Trong khoảng thời gian 15 ngày trước và sau Tết Nguyên đán; trong thời gian diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của địa phương và các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc tạm đình chỉ, đình chỉ thực hiện quyết định cưỡng chế khi có quyết định của người có thẩm quyền.
Việc cưỡng chế chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau: Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành đã có hiệu lực thi hành theo quy định của pháp luật; người phải chấp hành đã nhận được quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành hoặc quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành đã được niêm yết, thông báo công khai theo quy định; hết thời hạn tự nguyện thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành; người phải chấp hành không tự nguyện chấp hành sau khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền vận động, thuyết phục; có quyết định cưỡng chế do người có thẩm quyền ban hành; quyết định cưỡng chế đó đã được giao cho người bị cưỡng chế và được niêm yết, thông báo công khai theo quy định.
Thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế gồm Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (sau đây viết tắt là UBND cấp huyện) nơi có đất tranh chấp ban hành quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế thi hành đối với các trường hợp sau: Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết lần đầu đã có hiệu lực pháp luật; Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành thuộc thẩm quyền giải quyết lần 2 của Chủ tịch UBND tỉnh đã có hiệu lực pháp luật.
Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế thi hành đối với các trường hợp sau: Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai và quyết định công nhận hòa giải thành thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết lần đầu đã có hiệu lực pháp luật; Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai và quyết định công nhận hòa giải thành thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết lần 2 đã có hiệu lực pháp luật.
Người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế có thể ủy quyền cho cấp phó, việc ủy quyền và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn được ủy quyền. Cấp phó được ủy quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho bất kỳ người nào khác.
Thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế không quá 30 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định cưỡng chế, không tính thời gian không tổ chức cưỡng chế theo quy định nêu trên và thời gian thông báo trên báo, đài, chuyển phát có bảo đảm theo quy định về gửi, niêm yết công khai quyết định cưỡng chế. Đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày làm việc.
Ngoài ra, Quy định cũng nêu rõ trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Xem chi tiết Quyết định số 04/2017/QĐ-UBND ngày 03/02/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh tại đây 04UBND_.rar
Hoàng Mai