Công chức bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của TP Tây Ninh giải quyết hồ sơ cho người dân.
Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đang là vấn đề được toàn xã hội quan tâm, không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, mà còn là nghĩa vụ và quyền lợi của cá nhân và tổ chức. TTHC hợp lý, được tổ chức thực hiện tốt sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Ngược lại, TTHC bất hợp lý, tổ chức thực hiện không tốt là cơ hội cho tệ tham nhũng, cửa quyền nảy sinh, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với các cấp chính quyền và là lực cản của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Giải quyết các TTHC là một khâu quan trọng và được đặt ra ngay từ giai đoạn đầu của tiến trình CCHC nhằm bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch, công bằng trong khi giải quyết công việc hành chính; loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho nhân dân.
Cải cách thủ tục hành chính gắn với thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, cơ chế một cửa hiện đại được xác định là trọng tâm của cải cách hành chính, là một trong các giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh nên đã được tỉnh tập trung thực hiện thường xuyên và đã rút ngắn thời gian chờ đợi, giảm thiểu phiền hà, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Hiện nay tất cả các TTHC thuộc thẩm quyền của tỉnh được công khai, minh bạch tại trụ sở cơ quan, trên cổng, trang thông tin điện tử của tỉnh, của sở, ngành, UBND cấp huyện đã tạo thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu giải quyết TTHC. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ, hiện nay một số TTHC ở các lĩnh vực thành lập doanh nghiệp, nộp thuế, xuất nhập khẩu, hải quan, đất đai, xây dựng cơ bản đã rút ngắn 1/3 thời gian giải quyết so với thời gian quy định. Công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân bảo đảm đúng quy định; Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp được kiện toàn; trang thiết bị được bổ sung, hoàn thiện hơn. Trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của cán bộ, công chức được nâng lên; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong giải quyết TTHC được thực hiện ngày càng tốt hơn. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn đạt tỷ lệ cao trên tổng số hồ sơ được tiếp nhận, giảm đáng kể tình trạng hồ sơ trễ hạn và tồn đọng so với giai đoạn trước đây.
Song song với các hoạt động trên tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong giải quyết các TTHC của cá nhân, doanh nghiệp (nhất là các TTHC liên thông) để giảm đến mức thấp nhất thời gian đi lại, chờ đợi của tổ chức, cá nhân khi giao dịch hành chính. Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với những cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên giao dịch với người dân, doanh nghiệp. Các cấp, các ngành có giải pháp cụ thể thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, qua đó tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thường xuyên rà soát, đánh giá tính khả thi, tính hiệu quả và mức độ phù hợp với tình hình thực tế của văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến ngành, lĩnh vực, địa phương mình thực hiện. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải có thái độ ân cần, niềm nở trong giao tiếp, giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả. Một số cơ quan có giao dịch nhiều với người dân, doanh nghiệp, nhất là UBND cấp huyện và cấp xã cần thường xuyên tổ chức khảo sát mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính, từ đó chấn chỉnh, khắc phục những nội dung mà người dân, doanh nghiệp chưa hài lòng để từng bước cải thiện chất lượng phục vụ, nâng cao sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp.
Công tác tổ chức bộ máy tiếp tục được đẩy mạnh. Rà soát, kiện toàn, khắc phục sự trùng lắp, bỏ trống, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. Thực hiện nghiêm túc việc tinh giản biên chế; kiên quyết tinh giản những người không đáp ứng được yêu cầu công việc hoặc có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan nhà nước được tăng cường, từng bước nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp và hiện đại. Các hệ thống thông tin dùng chung, hệ thống thông tin chuyên ngành được triển khai góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn như: hệ thống một cửa điện tử; chuyên mục "Hỏi đáp trực tuyến" trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; phần mềm họp không giấy; phần mềm quản lý hộ tịch; phần mềm giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bên cạnh những kết quả bước đầu đã đạt được, công tác cải cách thủ tục hành chính thời gian qua của tỉnh cũng còn những khó khăn, tồn tại, hạn chế đó là: TTHC vẫn còn rườm rà, phức tạp, vẫn còn tình trạng đặt thêm các giấy tờ ngoài quy định, giải quyết hồ sơ trễ hẹn, công tác phát hiện các vướng mắc, bất cập về TTHC, chủ động kiến nghị phương án đơn giản hóa, sáng kiến cải tiến TTHC chất lượng chưa cao; việc tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính, giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn ít và rất khiêm tốn; công tác kiểm tra, xử lý sau kiểm tra đôi lúc vẫn còn mang tính hình thức, nể nang chưa được khắc phục; thái độ và nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong việc giải quyết TTHC đôi lúc còn chưa thể hiện hết tinh thần trách nhiệm, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức chưa phù hợp, chưa tương xứng với trách nhiệm được giao, cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính là công việc, nhiệm vụ của toàn bộ các cơ quan, đơn vị, của cả hệ thống chính trị gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, thời gian qua công tác này chưa được quan tâm đúng mức…
Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là: người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa dành thời gian, sự quan tâm thỏa đáng trong việc chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC, nhận thức của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa phù hợp, chưa đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cải TTHC; tinh thần thái độ, ý thức trách nhiệm, kỹ năng giải quyết công việc của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, thậm chí còn gây phiền hà, tiêu cực với tổ chức và công dân, việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc rà soát đánh giá, thông qua phương án đơn giản hóa còn hạn chế, thiếu hiệu quả, chưa thường xuyên…
Có thể nói, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính là một trong những biện pháp quan trọng để xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, đặc biệt là hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, củng cố hơn nữa mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa dân với Đảng, Nhà nước. Làm tốt công tác cải cách TTHC, người dân sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện TTHC. Đây cũng là một giải pháp nhằm góp phần giảm phiền hà, nhũng nhiễu, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân; đồng thời, tăng được tính giám sát của người dân với các cơ quan công quyền trong quá trình giải quyết TTHC, một trong những quyền lợi thiết thực của mọi cá nhân, tổ chức.
TC