Trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV, trong các cuộc tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh, cử tri đề nghị đầu tư kinh phí, xây dựng hệ thống thuỷ lợi vượt sông Vàm Cỏ Đông, đưa nước từ hồ Dầu Tiếng tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp hai huyện Bến Cầu và Châu Thành.
Về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời như sau: hồ Dầu Tiếng được Thủ tướng Chính phủ công nhận là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia (Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 7.2.2017), có nhiệm vụ cắt giảm lũ cho hạ du, cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ, du lịch v.v... có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh, thành phố trong vùng.
Bộ NN&PTNT ghi nhận việc xây dựng công trình thuỷ lợi vượt sông Vàm Cỏ Đông đưa nước từ hồ Dầu Tiếng phục vụ sản xuất nông nghiệp của hai huyện Bến Cầu và Châu Thành.
Hiện nay, Bộ đang rà soát, cập nhật quy hoạch tổng thể thuỷ lợi vùng Đông Nam bộ giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho chuẩn bị đầu tư và thực hiện khi cân đối được nguồn vốn.
Đây là dự án quan trọng nên đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh kiến nghị UBND tỉnh phối hợp với Bộ NN&PTNT rà soát quy hoạch để trình Chính phủ trong năm 2018, làm cơ sở để đưa vào kế hoạch triển khai, thực hiện.
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV, cử tri Tây Ninh cũng kiến nghị Bộ Tư pháp sớm cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến hộ tịch của các trường hợp Việt kiều Campuchia về sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Cử tri cho rằng, theo quy định của Luật Hộ tịch, quê quán của con là theo quê quán của cha hoặc mẹ, nhưng hiện nay, ở Tây Ninh có rất nhiều trường hợp quê quán của cha, mẹ ở Campuchia.
Trong khi đó, những trường hợp này không muốn lấy thông tin quê quán cho con mình là Campuchia vì thực sự họ sinh ra và lớn lên ở Tây Ninh, việc lấy quê quán ở Campuchia cho con sẽ gây ảnh hưởng tâm lý cũng như việc lựa chọn ngành, nghề của đứa bé sau này.
Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chưa có quy định để họ lựa chọn quê quán phù hợp, gây bức xúc trong người dân. Vì vậy, đề nghị Bộ Tư pháp trình Chính phủ xem xét, bổ sung quy định liên quan, tạo điều kiện để người dân chọn lựa quê quán cho trẻ em phù hợp hơn.
Về vấn đề trên, Bộ Tư pháp cho biết, theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch thì “quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thoả thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh”.
Như vậy, cha, mẹ có quyền lựa chọn quê quán cho con theo quy định là quê quán của cha hoặc của mẹ. Trong trường hợp cha, mẹ không thoả thuận được, việc áp dụng tập quán vẫn phải bảo đảm quê quán của con được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ. Do đó, trường hợp quê quán của cả cha và mẹ đều là Campuchia thì việc xác định quê quán của con vẫn phải bảo đảm xác định theo nguyên tắc trên.
Theo Báo Tây Ninh Online