Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân chủ trì cuộc họp
Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Tấn Đức - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Thường trực Ban chỉ đạo cho biết, để chuẩn bị cho hoạt động của Trung tâm Giám sát điều hành Kinh tế - Xã hội tập trung, cung cấp một số dịch vụ đô thị thông minh, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với VNPT Tây Ninh thực hiện các nội dung xây dựng Trung tâm điều hành (IOC) như lắp đặt hệ thống màn hình ghép và máy tính vận hành tại Trung tâm chỉ huy (đặt tại Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh); Triển khai hệ thống giám sát hành chính công và giám sát an ninh thông tin; Hoàn thành màn hình giám sát số liệu y tế; Tối ưu tốc độ truy vấn thông tin giám sát an ninh thông tin. Tích hợp hệ thống camera giám sát bộ phận một cửa lên hệ thống quản lý tập trung...
Đồng chí Nguyễn Tấn Đức - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo với cuộc họp một số kết quả hoạt động của ban chỉ đạo
Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và VNPT Tây Ninh triển khai thí điểm phần mềm quản lý đất đai VNPT-iLis tại huyện Tân Châu. Qua đó cho thấy, phần mềm VNPT-iLIS cơ bản đáp ứng được việc vận hành cơ sở dữ liệu địa chính tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Tây Ninh - chi nhánh Tân Châu. Tuy nhiên, hệ thống vẫn cần phải để tăng tính tiện ích và hỗ trợ cho người dùng thì trong thời gian tới VNPT cần phải hiệu chỉnh, bổ sung thêm một số chức năng.
Ban chỉ đạo quan sát hoạt động Bộ phận một cửa cấp xã từ camera giám sát
Hệ thống camera giám sát tại bộ phận một cửa các cấp trên địa bàn đã được tích hợp lên cùng một hệ thống quản lý để thuận tiện trong việc quản lý, giám sát. Hiện nay, hệ thống đã có thể phục vụ cho UBND tỉnh và UBND cấp huyện, Công an huyện. Sở đang tiếp tục phối hợp với Đại học Bách khoa tạo tài khoản cho UBND cấp xã.
Để thúc đẩy hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh theo Nghị quyết 17/NQ-CP, Sở Thông tin và Truyền thông đang làm việc với các ngành rà soát đảm bảo kết nối 50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 lên Cổng dịch vụ công Quốc gia. 70% dịch vụ công đạt mức độ 3, 4 và tối thiểu 30% dịch vụ công mức độ 4. Đơn giản hóa thủ tục hành chính để có thể tiếp nhận TTHC qua thiết bị di động với khoảng 20% thủ tục hành chính cấp độ 3,4. Tỷ lệ Dịch vụ công trực tuyến xử lý bằng hồ sơ điện tử trên địa bàn tỉnh đạt 100%, đạt yêu cầu so với chỉ tiêu đã được đề ra tại Nghị quyết 17/NQ-CP.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Phạm Văn Tân - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Tây Ninh ghi nhận sự nỗ lực của các thành viên Ban chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đạt được những kết quả nhất định. Đồng chí đánh giá, với phần mềm quản lý đất đai thực hiện ở huyện Tân Châu giúp cho cơ sở dữ liệu đất đai của huyện cơ bản đã được hiệu chỉnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu của huyện. Ban chỉ đạo tỉnh thống nhất cho vận hành thí điểm phần mềm này trên địa bàn huyện Tân Châu. Trong quá trình vận hành cần tiếp tục hỗ trợ để hiệu chỉnh các tính năng theo góp ý của ngành Tài nguyên và Môi trường, bước đầu thực hiện tạo lập cơ sở dữ liệu đất đai cho 4 huyện gồm: Bến Cầu, Gò Dầu, Dương Minh Châu và thị xã Trảng Bàng.
Với Trung tâm tích hợp dữ liệu, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần lưu ý vấn đề bảo mật thông tin và nguồn nhân lực làm việc tại Trung tâm. Sở Nội vụ nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh có chính sách đặc thù dành cho người làm việc tại Trung tâm tích hợp dữ liệu đê họ an tâm công tác. Bên cạnh đó, trong lúc dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, các cấp tăng cường ứng dụng họp trực tuyến, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong cán bộ, công chức, các tầng lớp nhân dân.
Hoàng Giang