Thành phố Tây Ninh tiêu huỷ máy trò chơi bắn cá. Ảnh: Nhật Quang
Cử tri Tây Ninh kiến nghị, Theo quy định tại mục a, khoản 3, Điều 3; mục b, khoản 3, Điều 8; khoản 2, Điều 11, Thông tư số 28/2014/TT-BVHTTDL ngày 31.12.2014 quy định về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế thuộc diện quản lý chuyên ngành văn hoá của Bộ VH-TT&DL.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc các cơ quan Hải quan cho phép tổ chức, cá nhân nhập khẩu máy trò chơi điện tử trước khi đề nghị cơ quan văn hoá thẩm định nội dung dán tem là trái với quy định của Thông tư.
Cử tri đề nghị Bộ VH-TT&DL phối hợp với Tổng cục Hải quan có văn bản hướng dẫn cụ thể vấn đề trên; có quy định cụ thể hơn về thành phần hồ sơ quy định tại mục b, khoản 3, Điều 8 Thông tư số 28/2014/TT-BVHTTDL vì hướng dẫn chưa rõ đối với “Hồ sơ tài liệu chứng minh nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm hàng hoá đề nghị nhập khẩu (kèm theo văn bản dịch ra tiếng Việt) gồm những tài liệu cụ thể gì? Đồng thời, có hướng dẫn cụ thể hơn việc kiểm tra mã số máy trò chơi điện tử, vì khi máy nhập về được Hải quan xác nhận theo từng lô hàng, chưa được ghi mã số cụ thể rõ ràng cho từng máy, dễ gây nhầm lẫn giữa máy nhập hợp pháp với máy không rõ nguồn gốc (có thể làm giả giấy hải quan).
Kiến nghị của cử tri Tây Ninh được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL trả lời như sau:
Theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Hải quan, pháp luật chuyên ngành, Thông tư số 28/2014/TT-BVHTTDL ngày 31.12.2014 của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL và văn bản hướng dẫn liên quan đã hướng dẫn cụ thể, chi tiết về nguyên tắc, thủ tục đối với việc nhập khẩu hàng hoá văn hoá.
Theo đó, tất cả các máy/chương trình cài đặt trò chơi điện tử (TCĐT) khi nhập khẩu vào Việt Nam, cơ quan Hải quan cho phép doanh nghiệp tạm giải phóng hàng nhập khẩu trên cơ sở văn bản chấp thuận của cơ quan văn hoá (hạn chế tối đa doanh nghiệp phải trả phí lưu kho tại cửa khẩu) và số hàng này chỉ được cơ quan Hải quan cho thông quan, đưa vào kinh doanh trên thị trường sau khi cơ quan văn hoá thẩm định phê duyệt nội dung.
Quy định này về cơ bản đã bảo đảm đầy đủ, chặt chẽ trong công tác quản lý Nhà nưóc, kiểm soát từ khi hàng hóa nhập khẩu đến khi đưa vào kinh doanh trên thị trường, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi nhập khẩu hàng hoá.
Kể từ khi Thông tư số 28/2014/TT-BVHTTDL được ban hành đến nay, Bộ VH-TT&DL thường xuyên có văn bản phối hợp với Tổng cục Hải quan, các chi cục Hải quan để hướng dẫn, tăng cường công tác quản lý và thực thi nhiệm vụ; đồng thời có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức hội nghị phổ biến cho các địa phương, các Sở VH-TT&DL về quản lý Nhà nước và hướng dẫn chi tiết chuyên môn nghiệp vụ; trực tiếp đi khảo sát, làm việc với một số cơ quan quản lý văn hoá địa phương, nhất là các tỉnh biên giới Tây Nam bộ vẫn còn xảy ra tình trạng cờ bạc trá hình trong kinh doanh trò chơi điện tử (trong đó có Tây Ninh).
Qua làm việc, kiểm tra cho thấy, các địa phương vẫn chưa thật sự quyết liệt, thường xuyên trong công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động trò chơi điện tử của các cơ sở kinh doanh
Qua theo dõi quản lý của Bộ VH-TT&DL, đến nay, các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu máy trò chơi điện tử tại các địa phương đã dần đi vào nề nếp, phần lớn chấp hành tốt các quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh, về điều kiện kinh doanh, nhập khẩu, mua bán trang thiết bị, dán tem kiểm soát nội dung trò chơi và có thể lệ chơi niêm yết công khai theo quy định.
Bên cạnh việc khắc phục được tình trạng lộn xộn trong hoạt động kinh doanh TCĐT xảy trước đây, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước (văn hoá, hải quan…) cũng được tăng cường hơn, do đó, nhận được sự hoan nghênh, ủng hộ của các địa phương đối với quy định quy trình quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu hàng hoá nhạy cảm, nhiều khả năng biến tướng này.
Bộ VH-TT&DL cho biết thêm, theo quy định của Thông tư số 28/2014/TT-BVHTTDL, cơ quan Hải quan chỉ cho phép thông quan máy TCĐT sau khi có yêu cầu thẩm định của Sở VH-TT&DL và đáp ứng các quy định của Luật Hải quan.
Để triển khai Thông tư số 28/2014/TT-BVHTTDL, Bộ VH-TT&DL đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan Hải quan ngăn chặn được nhiều hàng hoá văn hoá trái quy định về quản lý xuất nhập khẩu.
Để nâng cao hiệu quả quản lý và giải quyết những vướng mắc trong quản lý, phối hợp và có cơ sở làm việc với Tổng cục Hải quan cũng như kiến nghị Bộ Tài chính chấn chỉnh, xử lý theo quy định những cơ quan Hải quan đã giải quyết việc nhập khẩu trái với quy định của Thông tư (nếu có), Bộ sẽ làm việc với Sở VH-TT&DL Tây Ninh để xác định tên cơ quan Hải quan đã cho phép tổ chức, nhập khẩu trái quy định như thông tin cử tri phản ánh trên.
Sau đó, Bộ sẽ làm việc với cơ quan Hải quan và trực tiếp tới làm việc với tỉnh Tây Ninh (là địa phương cho đến nay vẫn xảy ra tệ nạn cờ bạc trá hình thông qua máy TCĐT) để tiếp tục hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ, phổ biến quán triệt chính sách về quy trình thủ tục đối với nhập khẩu máy trò chơi điện tử, về quy định pháp luật thương mại, hải quan, thanh kiểm tra, xử phạt... để các cán bộ nắm rõ được toàn diện các chính sách có liên quan, từ đó thực hiện quản lý Nhà nước, tham mưu có hiệu quả, chất lượng, góp phần làm giảm tệ nạn xã hội, an ninh trật tự tại địa phương.
Đồng thời, Bộ VH-TT&DL sẽ kiểm tra tại địa phương việc thực hiện các quy định về thẩm định, dán tem máy TCĐT, về thể lệ trò chơi tại các cơ sở kinh doanh…
Thời gian tới, Bộ VH-TT&DL sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các quy định pháp luật, vướng mắc, bất cập, và dự kiến sẽ kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định về điều kiện kinh doanh TCĐT không kết nối mạng, trong đó quy định toàn bộ hoạt động kinh doanh ngành nghề này, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức liên quan nói chung và các hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đối với việc nhập khẩu máy/chương trình TCĐT nói riêng theo đúng quy định của Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Hải quan, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các quy định pháp luật hiện hành.
Theo Báo Tây Ninh Online