Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tội phạm năm 2019

Thứ tư - 27/02/2019 15:00 53 0
Mới đây, Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tội phạm năm 2019 nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả, ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng tội phạm hoạt động lộng hành, gây bức xúc dư luận, không để phát sinh "điểm nóng" về trật tự xã hội nhất là tội phạm có tổ chức, các băng nhóm, tội phạm nguy hiểm, tội phạm sử dụng vũ khí nóng, tội phạm cướp tài sản, giết người, chống người thi hành công vụ, tín dụng đen, xâm hại trẻ em... kiềm chế, kéo giảm 3% tội phạm về hình sự so với năm 2018; nâng cao tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt trên 75%, các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% trên tổng số án khởi tố; giải quyết tin báo, tố giác tội phạm đạt trên 90%, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không để xảy ra oan sai; bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị trọng đại, các ngày lễ lớn của đất nước.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh, Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế ở địa phương: Tổ chức nắm, phân tích, dự báo sát tình hình kịp thời tham mưu, ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch phòng, chống tội phạm; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí, nhất là thông tin mạng trong việc đấu tranh phê phán những hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm. Tiến hành đổi mới các hoạt động phòng ngừa xã hội; phát huy vai trò của chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội trong quản lý, giáo dục, hỗ trợ tạo việc làm cho người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư. Rà soát, củng cố các tổ chức quần chúng phòng, chống tội phạm ở cơ sở; phát huy vai trò nòng cốt của mặt trận, công đoàn, cựu chiến binh, hội nông dân, thanh niên, phụ nữ..., đặc biệt duy trì phát huy hiệu quả mô hình "tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải" về an ninh, trật tự ở cơ sở; kịp thời phát hiện, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, khen thưởng gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng, chống tội phạm. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các biện pháp xử lý hành chính, đặc biệt là công tác giáo dục đối tượng tại xã, phường, thị trấn; lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng.

Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, rà soát, khắc phục kịp thời những sơ hở, bất cập, thiếu sót để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội và an ninh, trật tự. Tăng cường quản lý cư trú, quản lý xuất, nhập cảnh, quản lý người nước ngoài, quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự...

Chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục mở các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tăng cường các biện pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm có tổ chức (nhất là các băng nhóm hoạt động tín dụng đen), triệt phá các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, tội phạm hoạt động núp bóng doanh nghiệp, tội phạm chống người thi hành công vụ, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án, tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm sử dụng công nghệ cao, mua bán người, ma túy..., không để tội phạm "lộng hành".

Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ về đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động điều tra; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao năng lực, đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm và các kỹ năng công vụ cho lực lượng thực thi pháp luật. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức.

NT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây