(BCĐ thực hiện những giải pháp mang tính đột phá tỉnh Tây Ninhtổ chức họp định kỳ tháng 9/2018, nguồn: Tayninh.gov.vn)
Kết quả quý III năm 2018
Về công bố, công khai TTHC, đã ban hành 16 quyết định công bố danh mục TTHC tại 03 cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, với tổng số 1.848 TTHC, trong đó: cấp tỉnh là 1.432 TTHC, cấp huyện là 280 TTHC và cấp xã là 136 TTHC. Các TTHC sau khi công bố đều được nhập dữ liệu và công khai đầy đủ lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, Cổng thông tin điện tử của tỉnh; niêm yết công khai tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức. Tính đến ngày 15/9/2018, toàn tỉnh có 1.884 TTHC, trong đó: cấp tỉnh là 1.446 TTHC, cấp huyện là 290 TTHC, cấp xã là 148 TTHC. Hiện nay, Cổng thông tin điện tử của tỉnh cung cấp 100% TTHC đạt mức độ 2 (1.884 thủ tục); đạt mức độ 3 là 1.010 TTHC và 35 TTHC triển khai mức độ 4 được triển khai, ứng dụng trên địa bàn tỉnh.
Về công tác chỉ đạo, điều hành tỉnh tiếp tục chỉ đạo cơ quan hành chính các cấp tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 3034/QĐ-UBND ngày 14/12/2017 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch CCHC năm 2018. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan khắc phục các hạn chế, để đẩy mạnh việc nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh trong năm 2018. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả việc triển khai cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ. Bên cạnh đó, để thống nhất một đầu mối vừa tham mưu công tác CCHC và công tác kiểm soát TTHC giảm bớt khâu trung gian trong công tác tham mưu, giúp việc cho tỉnh, ngày 31/8/2018, tỉnh đã ban hành Quyết định số 2201/QĐ-UBND về việc thực hiện thí điểm chuyển giao chức năng, nhiệm vụ CCHC và Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh từ Sở Nội vụ về Văn phòng UBND tỉnh.
Đối với các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác CCHC tỉnh tiếp tục chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị triển khai, thực hiện theo đúng quy định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ trong năm 2018. Đồng thời, để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC, tỉnh đã chỉ đạo tiếp tục triển khai giai đoạn II của Đề án thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Hiện nay, tỉnh đã đồng ý chủ trương cho đầu tư hệ thống Camera giám sát tại Trung tâm hành chính công tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã, cho khai thác mạng xã hội Zalo trong việc tiếp nhận, tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh.
Về công tác kiểm tra CCHC và kiểm soát TTHC, kiểm tra về công vụ, công chức luôn được tỉnh chú trọng và chỉ đạo thực hiện kiểm tra thường xuyên tại 19/19 sở, ban, ngành tỉnh; 09/09 UBND huyện, thành phố và 95/95 UBND cấp xã. Đối với công tác kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra chuyên đề về công tác CCHC của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1113/KH-UBND ngày 14/5/2018 về kiểm tra công tác CCHC và kiểm soát TTHC năm 2018 trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, UBND tỉnh đã thành lập 02 đoàn kiểm tra để thực hiện kiểm tra công tác CCHC và kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh, đoàn kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra và hoàn thành việc kiểm tra trong tháng 9 năm 2018.
Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đã phê duyệt vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập của 317 cơ quan, đơn vị; thẩm định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 06 đơn vị. Hiện nay, 100% đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh đều được giao thực hiện cơ chế tự chủ trong hoạt động theo quy định của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ và quy định có liên quan, trong đó: đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên (20 đơn vị); đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (411 đơn vị); đơn vị do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (308 đơn vị).
Thực hiện cơ chế một cửa, tính đến nay có 123 cơ quan hành chính nhà nước đã thực hiện cơ chế một cửa, trong đó: 19/19 sở, ban, ngành tỉnh; 09/09 huyện, thành phố và 95/95 xã, phường, thị trấn. Thực hiện cơ chế một cửa liên thông, các cơ quan hành chính cùng cấp thực hiện cơ chế một cửa liên thông ở lĩnh vực Cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - đăng ký Mã số thuế cho doanh nghiệp; cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất. Hiện nay, tỉnh đã triển khai liên thông hồ sơ điện tử qua Chi cục Thuế cho tất cả các huyện/thành phố trên địa bàn tỉnh. Đối với mô hình này cá nhân và tổ chức có thể thực hiện kiểm tra, tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ bằng nhiều hình thức như hệ thống tin nhắn SMS, Kiosk tra cứu thông tin bằng mã vạch, màn hình cảm ứng.
Về thực hiện một cửa điện tử, Hệ thống một cửa điện tử đã được đưa vào sử dụng tại 100% sở, ban, ngành, 100% UBND cấp huyện và 100% cấp xã để thực hiện tiếp nhận và quản lý tất cả các hồ sơ theo thủ tục hành chính thuộc tất cả các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm hành chính công tỉnh từ khi đi vào hoạt động (15/3/2018) đến nay, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng gần 200 lượt hồ sơ, yêu cầu giải quyết TTHC. Các hồ sơ, TTHC được giám sát chặt chẽ từ khâu tiếp nhận, xử lý đến hoàn trả kết quả, đồng thời đã phối hợp Bưu điện tỉnh qua dịch vụ bưu chính công ích đảm bảo việc luân chuyển hồ sơ đến các sở, ngành giải quyết và trả kết quả đến người dân, doanh nghiệp kịp thời. Kể từ ngày 15/3/2018 đến hết ngày 30/8/2018, Trung tâm Hành chính công tỉnh đã tiếp nhận 16.490 hồ sơ. Trong đó, đã giải quyết đúng hạn và sớm trước hạn là 14.846 hồ sơ (tỷ lệ 99,44%), giải quyết trễ hạn là 82 hồ sơ (tỷ lệ 0,56%).
(Ảnh: Các tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công Tây Ninh, nguồn: BaoTayninh.vn)
Một số tồn tại, hạn chế như: Công tác phối hợp của một số cơ quan, đơn vị trong thực hiện về cải cách TTHC, giải quyết các TTHC còn thụ động do vậy hồ sơ giải quyết trễ hạn vẫn chưa được khắc phục triệt để, nhất là lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường. Việc tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý chưa được tổ chức thực hiện. Các số liệu thống kê, báo cáo còn nhiều bất cập, số liệu chưa thống nhất, nhất là số liệu liên quan đến kiểm soát giải quyết TTHC, số liệu chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, số liệu lao động, việc làm…
Phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2018
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC; tăng cường đối thoại đối với cá nhân, tổ chức trong giải quyết TTHC; thực hiện tốt Quy chế phối hợp tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính; Tổ chức, bổ sung thêm một số sở, ngành, các cơ quan Trung ương được tổ chức theo hệ thống ngành dọc đóng có nhiều TTHC phát sinh đưa vào thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh; lựa chọn các TTHC để tổ chức thực hiện toàn bộ quy trình tiếp nhận, giải quyết (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả) tại Bộ phận Một cửa cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng nâng cao tỷ lệ thực hiện tại chỗ trong việc tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả, đảm bảo tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thực hiện tại chỗ 30% TTHC thường xuyên phát sinh hồ sơ; tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện thực hiện tại chỗ 50% TTHC thường xuyên phát sinh hồ sơ; thực hiện có hiệu quả công tác cải cách chế độ công vụ, công chức; đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ; Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan hành chính; tổ chức các hoạt động để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền CCHC đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp và nêu gương điển hình những cán bộ, công chức có sáng kiến CCHC, cải cách TTHC tận tâm, tận tụy phục vụ Nhân dân.
Thành Chung