Phương hướng nhiệm vụ trọng tâm công tác Quản lý thị trường năm 2020

Thứ bảy - 29/02/2020 15:00 85 0
Năm 2019 lực lượng Quản lý thị trường đã cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tích cực, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đã phát hiện, xử lý trên 90 nghìn vụ vi phạm (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2018), thu nộp ngân sách gần 500 tỷ đồng (tăng 93% so với cùng kỳ năm 2018), góp phần tăng thu ngân sách, bảo vệ sản xuất trong nước, môi trường đầu tư kinh doanh và quyền lợi của người tiêu dùng; đã tập trung làm tốt công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền, hợp tác đối ngoại, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Đồng thời, để công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt được chuyển biến tích cực hơn nữa. Ngày 28/02/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành công văn Đề nghị Cục Quản lý thị trường tỉnh, UBND các huyện và thành phố triển khai thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại thông báo số 61/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, cụ thể như sau:

Quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, chỉ đạo của Bộ Công Thương và cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nói chung, đặc biệt là việc triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (Văn bản số 22/TB-VPCP ngày 17/01/2020 của Văn phòng Chính phủ).

Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, đấu tranh đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; quyết tâm ngăn chặn tình trạng tham nhũng, "tham nhũng vặt", không để người dân bức xúc, giảm sút niềm tin vào lực lượng Quản lý thị trường. Đề cao trách nhiệm, tính nêu gương của người đứng đầu; nếu địa bàn nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về sản xuất, tàng trữ, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng,.. hoặc có công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển, bố trí công tác khác; nếu xác định có vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về pháp luật, về tác hại của các hành vi kinh doanh, sản xuất hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc đến từng hộ kinh doanh. Phát động các tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, gian lận số lượng, chất lượng lừa dối người tiêu dùng. Phối hợp tốt với các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí, các hiệp hội ngành, nghề, nhất là người dân trong việc thực hiện công vụ, thu thập thông tin; theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.

Tăng cường công tác phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các lực lượng chức năng, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, nhất là với lực lượng Hải quan để kiểm soát tốt hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu, có các biện pháp phù hợp theo dõi các lô hàng được miễn kiểm tra thực tế tại thời điểm thông quan để phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu hàng hóa. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đảm bảo ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật từ xa.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự, biên chế của Quản lý thị trường theo Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường, sớm ổn định tổ chức, tập trung lực lượng vào công tác đấu tranh, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

AT


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây