Phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh

Thứ sáu - 31/05/2019 18:00 248 0
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 16 doanh nghiệp, 279 cơ sở chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ với quy mô vừa và nhỏ, với công suất hoạt động là 146.462 m3/ngày. Các sản phẩm chủ yếu là nội, ngoại thất, tủ bàn, ghế, ván, pallet, gỗ xây dựng. Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ và lâm sản trên địa bàn tỉnh đã góp phần giải quyết việc làm, tạo đầu ra cho sản phẩm gỗ rừng trồng và cây phân tán trong nhân dân. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn như: công nghệ lạc hậu, nguồn lực đầu tư hạn chế, chưa phát triển được sản phẩm chủ lực, có giá trị cao, tính cạnh tranh thấp trên thị trường, chủ yếu tiêu thụ nội địa, khả năng xuất khẩu hạn chế, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, chưa có điều kiện đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất kinh doanh, khả năng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng thấp.

Để phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, ngày 30/5/2019, Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh ban hành công văn số 1104/UBND-KTTC yêu cầu các Sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện tốt các nội dung sau:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Lâm nghiệp năm 2017 và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng các mô hình trồng rừng mới phù hợp điều kiện lập địa, quy chế quản lý rừng; đẩy mạnh việc trồng rừng gỗ lớn, cung cấp nguyên liệu gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nguyên liệu, từ chọn, tạo giống, kiểm soát đảm bảo chất lượng giống cho trồng rừng, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng, phát triển sản phẩm chủ lực, đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Thống kê, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để phân loại doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, đảm bảo gỗ hợp pháp và thực hiện xác nhận nguồn gốc gỗ hợp pháp. Phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, hướng dẫn các chủ rừng hạn chế khai thác rừng non, thực hiện kinh doanh gỗ lớn để bảo vệ môi trường sinh thái; hướng dẫn các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ về yêu cầu thị trường, các quy định về nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tập trung triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện về cơ chế chính sách đặc thù để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 – 2025.

Sở Khoa học và Công nghệ thông tin, tuyên truyền và vận động các doanh nghiệp tham gia dự án "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2016 – 2020" để được tiếp cận chính sách hỗ trợ nhằm tạo ra các sản phẩm, hàng hóa có chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh phát triển doanh nghiệp bền vững. Phối hợp với các đơn vị liên quan đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào khâu chọn, tạo giống, trồng rừng, chăm sóc, khai thác, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển sản phẩm mới, nâng cao thương hiệu Việt.

UBND các huyện, thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ tuyền truyền vận động các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gỗ, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm gỗ trên thị trường.

Hoàng Nam

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây