Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với các máy, thiết bị, vật tư trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Các cơ quan quản lý chuyên môn về xây dựng thực hiện kiểm tra công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn; Kiểm tra sự tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý an toàn lao động của Chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia hoạt động đầu tư xây dựng; Kiểm tra việc lập và thực hiện kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động của chủ đầu tư và các nhà thầu trên công trường thi công xây dựng; Tổ chức điều tra xác minh nguyên nhân sự cố gây tai nạn về máy, thiết bị, vật tư.
Trách nhiệm chung của các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình kiểm tra theo kế hoạch định kỳ, đột xuất hoặc phối hợp kiểm tra đồng thời với kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng theo quy định tại Khoản 8 Điều 34 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng đối với các loại công trình xây dựng theo phân cấp. Phối hợp giải quyết sự cố công trình xây dựng theo phân cấp và thực hiện các công việc theo quy định tại điểm a, b, c, d Khoản 2 Điều 48 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.
Trách nhiệm của chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình do nhà thầu lập; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch của nhà thầu; Phân công và thông báo nhiệm vụ, quyền hạn của người quản lý an toàn lao động theo quy định tại Khoản 2, Điều 115 Luật Xây dựng tới các nhà thầu thi công xây dựng công trình; Tổ chức phối hợp giữa các nhà thầu để thực hiện quản lý an toàn lao động và giải quyết các vấn đề phát sinh về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.
Chỉ đạo, phối hợp với nhà thầu thi công xây dựng xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động; khai báo sự cố gây mất an toàn lao động; phối hợp với cơ quan có thẩm quyền giải quyết, điều tra sự cố về máy, thiết bị, vật tư theo quy định tại Điều 18, Điều 19 Thông tư số 04/2017/TT-BXD; tổ chức lập hồ sơ xử lý sự cố về máy, thiết bị, vật tư theo quy định tại Điều 20 Thông tư số 04/2017/TT-BXD; Thường xuyên đôn đốc việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình theo quy định và kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp khi cần thiết.
Quản lý chất lượng đảm bảo an toàn hệ thống giàn giáo trong thi công xây dựng công trình tổ chức kiểm tra công tác lắp đặt giàn giáo của nhà thầu theo thiết kế đã được phê duyệt. Định kỳ, đột xuất tổ chức kiểm tra việc lắp đặt giàn giáo trong quá trình thi công xây dựng. Nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình (trong trường hợp được chủ đầu tư thuê) có trách nhiệm giúp chủ đầu tư trong quá trình kiểm tra.
Đồng thời, kiên quyết tạm đình chỉ thi công và yêu cầu nhà thầu khắc phục khi phát hiện dấu hiệu vi phạm các quy định làm mất an toàn của giàn giáo, xử lý hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, Thông tư số 04/2017/TT-BXD và các quy định hiện hành. Mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng (viết tắt là Nghị định số 119/2015/NĐ-CP).
Các tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn lao động tuân thủ theo các quy định tại Điều 15 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn lao động và quan trắc môi trường lao động.
Nhà thầu về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình tổ chức thực hiện việc kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng công trình. Chỉ đưa các máy, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động vào sử dụng tại công trường sau khi đã được kiểm định đảm bảo an toàn;
Người lao động trên công trường xây dựng chấp hành quy định, nội quy, quy trình, yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao; Tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức, kỹ năng về các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp, các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc trong quá trình thực hiện các công việc, nhiệm vụ được giao; Phải tham gia huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động trước khi sử dụng các máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, các cơ quan chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy định. Chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng công trình, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc.
Nội dung chi tiết xem tại đây.
Gia Huy