Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện phòng, chống bệnh Lở mồm long móng theo nguyên tắc tuân thủ và thực hiện đầy đủ những nội dung, giải pháp của Chương trình quốc gia; các văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các văn bản hướng dẫn kỹ thuật của Cục Thú y; Hằng năm xây dựng Kế hoạch tổ chức các đợt tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi trong đó có bệnh Lở mồm long móng, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao; khi có dịch bệnh xảy ra, cần khẩn trương tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch, việc sử dụng vắc xin thực hiện theo hướng dẫn của Cục Thú y.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan trong việc ngăn chặn nhập lậu gia súc, sản phẩm gia súc trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở; Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực biên giới về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh gia súc, sản phẩm gia súc nhập khẩu trái phép để người dân hiểu, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng, nội dung phù hợp với từng đối tượng về nguy cơ, tác hại của bệnh Lở mồm long móng, chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát, thống kê số lượng đàn gia súc, số liệu tiêm vắc xin phòng bệnh của địa phương, tổng hợp, phân tích, đánh giá và đề xuất các phương pháp phòng, chống dịch bệnh; Chủ động giám sát bệnh Lở mồm long móng trên đàn gia súc, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao, phát hiện sớm, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát sinh, ở diện hẹp; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo, bán chạy gia súc bệnh, gia súc chết, vứt xác gia súc chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh.
HN