Tăng cường công tác phòng, chống bệnh Cúm gia cầm và kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua biên giới

Thứ ba - 19/01/2021 21:00 125 0
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ cuối năm 2020 đến ngày 11/01/2021 đã xuất hiện 10 ổ dịch Cúm gia cầm A/H5N6 và A/H5N1 tại 07 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Phú Yên và Long An), với tổng số gia cầm buộc phải tiêu hủy trên 11.000 con.

Thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh Cúm gia cầm lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao, do giai đoạn trước, trong  và sau Tết Nguyên đán thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, kết hợp việc giao thương buôn bán, vận chuyển gia cầm tăng cao, tổng đàn gia cầm lớn, mật độ chăn nuôi cao, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học; đặc biệt ở các địa phương có ổ dịch cũ và có sự lưu hành của vi rút Cúm gia cầm.

Hiện nay, đang có sự chênh lệch giá cả lợn và sản phẩm từ lợn giữa Việt Nam và các nước láng giềng tương đối cao, nên hiện tượng buôn bán, vận chuyn trái phép lợn qua biên giới giữa Việt Nam và các nước, đặc biệt là việc vận chuyển lợn từ Việt Nam sang Trung Quốc, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Lở mồm long móng, Cúm lợn,... giữa các nước với Việt Nam.

Để chủ động phòng, chống bệnh Cúm gia cầm và kiểm soát vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh kịp thời và có hiệu quả. Ngày 19/01/2021, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công văn số 154/UBND-KT đề nghị Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện những biện pháp quan trọng sau:

Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; đặc biệt đối với lợn, gia cầm ra, vào địa bàn tỉnh và các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm của UBND tỉnh.

Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) tăng cường chỉ đạo tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển trái phép lợn và gia cầm, sản phẩm lợn và gia cầm ra, vào địa bàn tỉnh. Trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm để hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Tổ chức triển khai chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh Cúm gia cầm để kịp thời cảnh báo, xử lý, tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, dương tính với vi rút Cúm gia cầm, chủng A/H5N1 và A/H5N6. Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc tổ chức thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh phòng dịch và các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm.

UBND các huyện, thị xã, thành phố  khẩn trương tổ chức giám sát vùng có nguy cơ cao, ổ dịch cũ, cảnh báo và kịp thời hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm. Rà soát, tổ chức tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn có nguy cơ; thường xuyên tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng. Hướng dẫn người chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không đảm bảo an toàn làm lây lan dịch bệnh; ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật ra, vào tỉnh tại các đường mòn, lối mở,…

UBND huyện Dương Minh Châu tổ chức duy trì vùng an toàn dịch bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn đã xây dựng.

UBND huyện Gò Dầu triển khai xây dựng vùng và cơ sở an toàn dịch bệnh được phê duyệt theo Quyết định số 2028/QĐ-UBND ngày 20/9/2019 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020 – 2025.

HN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây