Tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội trên địa bàn tỉnh

Thứ năm - 04/08/2016 11:00 94 0
Tình hình tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội trên địa bàn tỉnh gần đây diễn biến phức tạp, hành vi manh động, côn đồ và có chiều hướng tăng. Theo thống kê từ đầu năm 2019 đến nay, đã xảy ra 21 vụ giết người (tăng 07 vụ so với cùng kỳ năm trước), làm chết 19 người, bị thương 09 người; trong đó có 19 vụ giết người do nguyên nhân xã hội (chiếm 90,48%), 01 vụ giết người do đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp “ngáo đá” và 01 vụ giết người do người mắc bệnh tâm thần gây ra. Đa số nguyên nhân dẫn đến án mạng xuất phát từ mâu thuẫn như: mâu thuẫn trong tình ái (05 vụ), mâu thuẫn do rượu, bia (03 vụ), tranh chấp đất đai (02 vụ), mâu thuẫn trong sinh hoạt hằng ngày (03 vụ).... một số vụ do đối tượng mắc bệnh tâm thần và đối tượng có sử dụng ma túy tổng hợp dẫn đến hoang tưởng “ngáo đá” gây án. Phần lớn các vụ việc này đã được chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị, xã hội quan tâm hòa giải, can ngăn. Tuy nhiên, việc sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn vẫn còn xảy ra nhiều;... gây lo lắng trong nhân dân, ảnh hưởng tình hình ANTT.

Để làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, phát hiện ngăn ngừa kịp thời, hạn chế thấp nhất loại tội phạm này. Ngày 16/3/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành công văn số 507/UBND-NCPC yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố:

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kết luận số 05-KL/TW ngày 15/7/2016 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới”; Kết luận số 44-KL/TƯ ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2019 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới” gắn với Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030”.

Công an tỉnh rà soát, chọn những địa bàn trọng điểm, phức tạp để tập trung cùng chính quyền địa phương phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đánh giá nguyên nhân xảy ra tội phạm này, Công an các cấp có kế hoạch quản lý chặt số thanh thiếu niên, các đối tượng quản lý ở địa phương để thường xuyên giáo dục, răn đe, nhắc nhở.

Tăng cường phối hợp với các Sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, tổ chức chính trị xã hội tỉnh đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hình sự cho người dân, những quy định, hình phạt, chế tài, hậu quả của loại tội phạm này; trách nhiệm, quyền lợi của người dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm để người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tham gia phòng chống, tố giác tội phạm ở khu dân cư. Vận động người dân tham gia quản lý, giáo dục số đối tượng có tiền án, tiền sự, sử dụng chất ma túy, nhất là số nghiện nặng, số thanh thiếu niên hay tụ tập khuya, đối tượng uống rượu, bia gây rối đánh nhau, đối tượng bạo hành gia đình,... để góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật. Đồng thời, hướng dẫn người dân phải biết tự đề phòng cho bản thân và khi phát hiện mâu thuẫn xảy ra thì báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc Cơ quan Công an gần nhất để xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất tình hình xấu xảy ra.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chỉ đạo Ủy ban MTTQ các cấp thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”. Thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an tiếp tục rà soát, củng cố và nâng cao chất lượng của các tổ dân cư tự quản, tổ hòa giải và các mô hình phòng chống tội phạm ở cơ sở, chú ý nâng cao hiệu quả của tổ hòa giải để kịp thời giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong nhân dân, hộ gia đình, nhất là mâu thuẫn về tranh chấp đất đai, vay mượn tài sản, bạo lực gia đình,... không để mâu thuẫn bức xúc, kéo dài dẫn đến tội phạm xảy ra. Phối hợp với ngành Tư pháp, Công an, Thông tin truyền thông, Văn hóa, Giáo dục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tội phạm xâm hại tính mạng con người, chú ý thường xuyên giáo dục đạo đức truyền thống dân tộc, gia đình, tình làng nghĩa xóm,… để người dân, nhất là bộ phận thanh thiếu niên có định hướng và rèn luyện nhân cách, văn hóa ứng xử phù hợp, đồng thời lên án lối sống suy thoái về đạo đức con người, trái thuần phong mỹ tục.

Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân tỉnh tăng cường công tác truyên truyền vận động, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các thông tin về phòng, chống tội phạm, phòng chống bạo lực gia đình… nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, phát huy vai trò của các cấp hội, cán bộ, đoàn viên, hội viên tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bạo lực học đường trong các cơ quan, trường học trên địa bàn. Thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình những hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thường xuyên xảy ra tình trạng bạo lực gia đình, số thanh thiếu niên không có việc làm, sống lang thang cơ nhỡ, gia đình có người mắc bệnh tâm thần ở địa phương,... để có biện pháp quản lý, giáo dục và chữa bệnh kịp thời.

DM

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây