Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thực hiện các nội dung sau:
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thành phố rà soát, cập nhật, xác định nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh mục nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng; tổ chức xây dựng, phê duyệt chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo; tổ chức rà soát và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nội dung hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020 của địa phương; trong đó xác định cụ thể các chỉ tiêu, nhiệm vụ hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người khuyết tật, lao động nữ; tổ chức triển khai đào tạo nghề theo các mô hình đã thí điểm có hiệu quả, đào tạo lại doanh nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh, thôn, xã gắn đào tạo với liên kết sản xuất, hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm cho lao động nông thôn và xây dựng nông thôn mới; Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính xây dựng và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt mức chi phí đào tạo đối với từng nghề, mức hỗ trợ cụ thể đối với từng đối tượng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ và UBND các huyện, thành phố tổ chức đào tạo nghiệp vụ sư phạm để bổ sung giáo viên cho các trung tâm giáo dục thường xuyên – giáo dục nghề nghiệp chưa đủ giáo viên cơ hữu; đào tạo giáo viên giảng dạy kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp cho lao động nông thôn; tổ chức bồi dưỡng kỹ năng nghề đối với người dạy nghề là nghệ nhân, nông dân sản xuất giỏi, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, người có tay nghề cao để tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn; bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý và tư vấn đào tạo nghề, tư vấn việc làm cho lao động nông thôn đối với cán bộ quản lý cấp tỉnh, cấp huyện, xã và các cơ sở đào tạo nghề; phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh thực hiện việc bồi dưỡng về giám sát việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại xã đối với cán bộ là Nông dân, Cựu chiến binh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và xã hội và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, cụ thể đối với đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động, tập trung tổ chức đào tạo theo vị trí việc làm tại doanh nghiệp để doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc theo hợp đồng lao động hoặc tổ chức việc làm cho lao động nông thôn theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm; Đối với đào tạo nghề nông nghiệp, tập trung tổ chức đào tạo cho các đối tượng là nông dân nòng cốt tại địa phương, đủ điều kiện áp dụng kiến thức nghề sau khi học, trong đó tập trung các đối tượng như nông dân tham gia các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh, có hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; nông dân tham gia các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình giảm nghèo và các chương trình đề án khác; lao động nông thôn làm kỹ thuật nông nghiệp, làm nghề nông nghiệp có yêu cầu trình độ kỹ thuật; Ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm đối với người khuyết tật.
Ngoài ra, UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh, Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức tuyên truyền về đào tạo nghề, giúp đỡ hội viên, đoàn viên tham gia học nghề và việc làm, phát triển sản xuất sau khi được được đào tạo nghề.
TĐ