Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) là một tổ chức xã hội trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) với nhiệm vụ bảo vệ đa dạng sinh học của đất nước thông qua việc hỗ trợ các cơ quan chức năng tăng cường thể chế, chính sách và thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường và động vật hoang dã.
Theo tổ chức này, từ năm 2005 đến nay, ENV đã và đang hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc xử lý các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, đồng thời quản lý đường dây nóng miễn phí 1800-1522 hỗ trợ người dân báo cáo các vi phạm về động vật hoang dã tới cơ quan chức năng.
Kết quả xử lý các vụ việc vi phạm về động vật hoang dã của cơ quan chức năng sau đó được ENV ghi nhận trong Cơ sở dữ liệu vi phạm về động vật hoang dã và đồng thời được thông báo lại cho người dân để khuyến khích họ tiếp tục ủng hộ nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã. Theo quan điểm của ENV, sự tham gia của người dân là tiền đề quan trọng nhất để các nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã đạt được kết quả tốt đẹp.
Qua hơn 15 năm vận hành, đường dây nóng của ENV đã và đang trở thành một công cụ kết nối hiệu quả người dân và các cơ quan chức năng trong công tác xử lý vi phạm về động vật hoang dã. Tuy nhiên, người dân sẽ chỉ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã nếu những vi phạm do họ thông báo đến cơ quan chức năng được xử lý kịp thời và có hiệu quả.
Là một trong những hoạt động được tiến hành hàng năm, vừa qua, ENV đã phân tích hiệu quả công tác xử lý vi phạm về động vật hoang dã do người dân thông báo tại từng địa phương trong năm 2020, đặt trong tương quan so sánh với những địa phương khác trên cả nước để cung cấp đến chính quyên địa phương và các cơ quan chức năng một cái nhìn khách quan từ một tổ chức xã hội về vấn đề này. Việc đánh giá hiệu quả xử lý vi phạm về động vật hoang dã do người dân thông báo được dựa trên các tiêu chí bao gồm số lượng vi phạm được người dân thông báo đến cơ quan chức năng tại địa phương, tỷ lệ phản hồi, tỷ lệ xử lý thành công nói chung và tỷ lệ xử lý thành công các vi phạm liên quan đến động vật sống - loại vi phạm cần phản ứng nhanh chóng của cơ quan chức năng để có thể xử lý hiệu quả. Ngoài ra, báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị chung đối với các cơ quan thực thi pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả xử lý đối với các vi phạm về động vật hoang dã do người dân thông báo.
Nhìn chung, một điểm nổi bật trong năm 2020 là các cơ quan chức năng địa phương đã quan tâm hơn đên việc xử lý các vi phạm về động vật hoang dã. Theo đó, tỷ lệ phản hồi trung bình của các địa phương trên cả nước với vi phạm về động vật hoang dã đạt tỷ lệ 97,6%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 84% ghi nhận trong năm 2019. Tuy nhiên, tỷ lệ xử lý thành công với các vi phạm về động vật hoang dã trên cả nước vân chưa có nhiều thay đổi tích cực so với thời kỳ trước đó, đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương trong công tác xử lý các vi phạm về động vật hoang dã, đặc biệt là các vi phạm do người dân thông báo.
TT