Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2021

Thứ hai - 22/03/2021 15:00 151 0
Nhằm triển khai thực hiện Công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tiếp tục thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trong năm 2021; Trên cơ sở Quyết định số 1391/QĐ-UBND ngày 06 tháng 7 năm 2020 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án OCOP). Ngày 22/3/2021, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công văn số 832/UBND-KT yêu cầu các Sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2021. Hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đầu mối tổng hợp dự toán kinh phí thực hiện Chương trình OCOP của các sở, ban, ngành, địa phương gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính trình UBND tỉnh phân bổ thực hiện hàng năm. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và địa phương tuyên truyền, vận động chủ thể tham gia chương trình và tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh; kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình OCOP.

Sở Công Thương tổ chức, quản lý, điều phối các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP (hội chợ, triển lãm,...); cập nhật thông tin thị trường trong nước, quốc tế liên quan sản phẩm OCOP; thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động thương mại đối với các trung tâm, điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP của tỉnh; phối hợp các đơn vị liên quan kết nối các trung tâm, điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP với các hoạt động du lịch. Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và địa phương tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh; kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình OCOP.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lồng ghép các hoạt động du lịch của tỉnh với Chương trình OCOP; hỗ trợ các tổ chức kinh tế, nhóm cộng đồng nghiên cứu phát triển, quảng bá các sản phẩm du lịch nông thôn trên cơ sở phát huy thế mạnh về địa danh, di tích văn hóa lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc, đặc trưng địa phương; hỗ trợ các địa phương phát triển làng văn hóa du lịch; quảng bá, xúc tiến mở rộng các tour, tuyến du lịch kết nối với các vùng sản xuất, các trung tâm, điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP. Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và địa phương tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh; kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình OCOP.

Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và địa phương hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức OCOP thiết kế sản phẩm, đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm và tư vấn, định hướng, phát triển thương hiệu sản phẩm; hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số, mã vạch, công bố chất lượng sản phẩm OCOP. Hỗ trợ các tổ chức kinh tế, cộng đồng đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển sản xuất các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và địa phương tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh; kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình OCOP.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tuyên truyền, vận động để các cấp quản lý, các chủ thể OCOP nắm được mục đích, ý nghĩa, nội dung và phương pháp thực hiện của Chương trình; Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP; các cơ chế chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế cộng đồng; cách thức phát triển, đề xuất ý tưởng các sản phẩm, khởi đầu chu trình thực hiện Chương trình của cộng đồng; vai trò, tầm quan trọng của các chủ thể trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP; quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh; thực hiện công tác kiểm tra, giám sát trên địa bàn để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, hỗ trợ các tổ chức kinh tế, cơ sở, hộ sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Tập trung các giải pháp nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, đặc biệt là về nguồn nguyên liệu, lao động, ngành nghề và du lịch nông thôn để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Đồng thời, tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021 theo các quy định hiện hành và gửi hồ sơ sản phẩm OCOP đề nghị đánh giá cấp tỉnh từ ngày 01 đến ngày 30 tháng 6 hàng năm.



Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây