Theo đó, nội dung Kế hoạch thực hiện gồm: Tổ chức quán triệt, triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động giám định tư pháp; Đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật (nếu có); Rà soát danh sách giám định viên tư pháp, cấp thẻ cho giám định viên tư pháp, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; Công nhận và đăng tải danh sách người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; Đánh giá chất lượng hoạt động giám định tư pháp và Củng cố, kiện toàn tổ chức, cơ sở vật chất cho hoạt động giám định tư pháp.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức thực hiện các nội dung trong kế hoạch, đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu và tiến độ đề ra. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh, quản lý về hoạt động của Văn phòng giám định; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về giám định tư pháp theo thẩm quyền; tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh.
Các sở, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ nội dung Kế hoạch này và tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả. Chủ động phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan thường xuyên đăng tải, tuyên truyền các nội dung, tài liệu nhằm đưa tin sâu rộng trong nhân dân nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Nội dung chi tiết xem tại đây.
Thư Ngân