UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch Phục hồi chức năng tỉnh Tây Ninh năm 2019

Thứ hai - 25/03/2019 15:00 89 0
Kế hoạch Phục hồi chức năng tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016 – 2020 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2878/QĐ-UBND ngày 11/12/2015, qua 3 năm thực hiện, chỉ có 6/11 chỉ tiêu đạt Kế hoạch. Nguyên nhân do cơ sở vật chất, trang thiết bị phục hồi chức năng chưa đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân trong tỉnh; Đội ngũ Bác sĩ, kỹ thuật viên chuyên ngành phục hồi chức năng tại tỉnh vẫn còn thiếu nhiều so với nhu cầu; Kiến thức và ý thức về chăm sóc Trẻ khuyết tật/Người khuyết tật và phát hiện sớm - can thiệp sớm của một số phụ huynh/người chăm sóc vẫn còn chưa tốt,...

Nhằm tiếp tục củng cố, phát triển mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng tại các cơ sở khám chữa bệnh và nâng cao chất lượng dịch vụ phục hồi chức năng, tăng cường phòng ngừa khuyết tật, phát hiện sớm, can thiệp sớm và cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật về mọi mặt để người khuyết tật được hội nhập và tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, phát huy tối đa năng lực của người khuyết tật, UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 674/QĐ-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2019 phê duyệt Kế hoạch Phục hồi chức năng tỉnh Tây Ninh năm 2019.

Theo Kế hoạch, đến cuối năm 2019, 100% Trạm Y tế xã có phân công cán bộ y tế phụ trách công tác phục hồi chức năng, cán bộ này tiếp tục được bồi dưỡng kiến thức cơ bản về phục hồi chức năng; 100% Trung tâm Y tế huyện, thành phố có Tổ phục hồi chức năng, trong đó có bác sĩ (hoặc y sĩ), kỹ thuật viên được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyên ngành phục hồi chức năng; 75% Bệnh viện tuyến tỉnh thành lập khoa phục hồi chức năng; 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hoạt động tuyên truyền về phòng ngừa khuyết tật, về phục hồi chức năng và phục hồi chức năng – dựa vào cộng đồng, tổ chức hội thảo về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của phục hồi chức năng và phục hồi chức năng - dựa vào cộng đồng cho các cấp lãnh đạo, các tổ chức đoàn thể, góp phần nâng cao nhận thức trong chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật; 100% các huyện, thành phố triển khai và duy trì chương trình phục hồi chức năng - dựa vào cộng đồng tại 100% xã, phường, thị trấn; 75% số trẻ khuyết tật dưới 6 tuổi được phát hiện sớm tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; 80% người khuyết tật có nhu cầu được tiếp cận với dịch vụ phục hồi chức năng phù hợp để hội nhập cộng đồng; 90% người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; Các Trung tâm Y tế huyện, thành phố tổ chức quản lý khám sức khỏe cho người cao tuổi ít nhất 01 lần trong năm; 75% các Bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh có đào tạo liên tục về phục hồi chức năng; Đào tạo bác sĩ chuyên khoa I về phục hồi chức năng; Bệnh viện Phục hồi chức năng đạt 73% chức danh chuyên môn theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 46/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 của Bộ Y tế quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu của cơ sở phục hồi chức năng.        

Kế hoạch cũng đề ra các nội dung chính tập trung triển khai thực hiện như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng ngừa khuyết tật, phục hồi chức năng và phục hồi chức năng - dựa vào cộng đồng để mọi người biết cách chủ động phát hiện sớm, phòng ngừa khuyết tật và người khuyết tật được hưởng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cũng như các dịch vụ của cộng đồng; Hoàn thiện mạng lưới bệnh viện chuyên khoa phục hồi chức năng tuyến tỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương. Khuyến khích các Trung tâm Y tế huyện, thành phố thành lập khoa phục hồi chức năng, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện công tác phục hồi chức năng cho người khuyết tật, người mắc bệnh nghề nghiệp và các đối tượng khác có nhu cầu; Đào tạo cán bộ về phục hồi chức năng, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để điều trị, phục hồi chức năng cho người bệnh nội trú và triển khai phục hồi chức năng sớm tại các khoa lâm sàng ngay sau giai đoạn bệnh ổn định. Củng cố, nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phục hồi chức năng để đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị tại địa phương; Đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học chuyên ngành phục hồi chức năng; Đảm bảo đầu tư đủ các trang thiết bị phục hồi chức năng theo phân tuyến kỹ thuật, từng bước hiện đại hóa các trang thiết bị, vật tư phục hồi chức năng ở bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh về phục hồi chức năng; Triển khai phục hồi chức năng sớm cho người bệnh;...

                                                                                        Song Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây