UBND tỉnh tăng cường, nâng cao chất lượng công tác tham mưu của cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh

Thứ hai - 17/09/2018 17:00 88 0

Trong thời gian qua, nhìn chung công tác tham mưu cho UBND tỉnh của các cơ quan, đơn vị, địa phương có nhiều chuyển biến, chất lượng được nâng lên, nhất là tiết giảm được thời gian hội họp, …. Đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tham mưu của các cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn mặt hạn chế, như: chưa bảo đảm về thời gian, nội dung tham mưu có lúc chưa cụ thể, thiếu chặt chẽ, thiếu căn cứ pháp lý và tính thực tiễn, chưa thể hiện rõ chính kiến của đơn vị tham mưu; có trường hợp trình chưa đúng quy trình, thẩm quyền.

Nhằm khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng công tác tham mưu. Ngày 17-9, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công văn yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các huyện, Thành phố theo chức năng, nhiệm vụ quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau:

Nắm chắc và thực hiện nghiêm túc Quy chế làm việc của UBND tỉnh (ban hành kèm theo Quyết định số 38/2016/QĐ-UBND, ngày 20/10/2016 của UBND tỉnh), việc tham mưu phải bảo đảm tính kịp thời, chính xác, đúng pháp luật, có tính khả thi cao, trên tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và địa phương trong công tác tham mưu. Các văn bản tham mưu trình UBND tỉnh phải do người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương ký trình (trừ trường hợp người đứng đầu đi vắng ủy quyền cho cấp phó ký thay).

Văn bản tham mưu trình UBND tỉnh, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phải chặt chẽ, trong đó cần phải bảo đảm các yêu cầu: Thể hiện rõ, đầy đủ về căn cứ pháp lý, các quy định của cơ quan có thẩm quyền cấp trên có liên quan đến nội dung tham mưu (khẳng định rõ nội dung nào thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương, nội dung nào vận dụng thực tiễn địa phương). Nêu rõ các bước đã thực hiện theo thẩm quyền (nêu tóm tắt ý kiến của các ngành, địa phương có liên quan, nhất là đối với vấn đề, nội dung còn có ý kiến khác nhau), đề xuất trình tự thủ tục thực hiện các bước tiếp theo. Các cơ quan, đơn vị, địa phương khi được cơ quan chủ trì gửi lấy ý kiến phải có trách nhiệm trả lời, nêu rõ chính kiến, quá thời hạn không có ý kiến thì xem như đồng ý. Nêu thực trạng tình hình đã, đang thực hiện tại cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành mình (việc thực hiện chủ trương của tỉnh, của Trung ương), đối chiếu với các quy định hiện hành của Trung ương và so sánh, tham khảo, tình hình thực hiện ở một số ngành, địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Cần nêu khái quát, ngắn gọn về vấn đề, nội dung trình và khẳng định ý kiến tham mưu, đề xuất của cơ quan chủ trì.

Bên cạnh đó, đối với những vấn đề lớn, phức tạp cần xác định đề xuất các phương án khác nhau, nêu rõ ưu, khuyết điểm của từng phương án, phải thể hiện rõ chính kiến của cơ quan tham mưu về phương án chọn. Văn bản tham mưu trình UBND tỉnh, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phải được bàn và thống nhất trong tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương. Tránh tình trạng, cùng một nội dung, vấn đề nhưng lãnh đạo đơn vị tham mưu thể hiện quan điểm khác nhau.

Việc tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, ngày 14/5/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trong đó, đặc biệt chú ý trong khâu lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động trực tiếp một cách nghiêm túc, không qua loa, sơ sài. Thực hiện lấy ý kiến phản biện xã hội đối với những văn bản có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội, các tầng lớp nhân dân. Nâng cao vai trò của Sở Tư pháp trong công tác thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc xây dựng, kiểm tra xử lý văn bản trái pháp luật.

Chủ động đăng ký, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh thực hiện tốt công tác chuẩn bị nội dung tham mưu trình UBND tỉnh, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Thường xuyên rà soát các nhiệm vụ, công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình đã được UBND tỉnh, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao và thực hiện nghiêm túc có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, Thành phố khi xây dựng báo cáo định kỳ (báo cáo hằng tháng; quý I; 6 tháng; 9 tháng, năm) cần báo cáo, đánh giá kết quả công tác tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, nhất là chú ý đến những nội dung còn tồn đọng. Kết quả, chất lượng công tác tham mưu, đề xuất của đơn vị là một trong những yếu tố để xem xét, đánh giá, bình xét, xếp loại thi đua cuối năm.

Văn phòng UBND tỉnh: Theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương và định kỳ báo cáo tại phiên họp Chủ tịch, Phó Chủ tịch hằng tuần.

VT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây