Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và Quý I năm 2023

Thứ sáu - 31/03/2023 09:31 280 0
Kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2023 đạt một số kết quả tích cực. Kinh tế tiếp tục được phục hồi và đạt mức tăng trưởng 2,21%.

1.    Kết quả đạt được 
1.1.    Về kinh tế
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt mức tăng trưởng 2,21%. Trong đó, khu vực nông – lâm –thủy sản tăng 2,65%, khu vực công nghiệp – xây dựng giảm 0,89%, khu vực dịch vụ tăng 5,51%.
    Nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp chủ yếu tập trung gieo trồng vụ Đông Xuân với diện tích là 101.889 ha, đạt 95,7% kế hoạch (KH) vụ, tăng 4,7% so cùng kỳ (CK). Diện tích cây trồng nhiễm sâu bệnh gia tăng chủ yếu trên cây lúa, tuy nhiên mức độ nhiễm nhẹ, không ảnh hưởng nhiều đến năng suất cây trồng.
Tình hình chăn nuôi và giá sản phẩm chăn nuôi ổn định, không phát sinh dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm; xu hướng chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại tập trung, đảm bảo an toàn sinh học. Ước số lượng và sản lượng gia súc, gia cầm tăng so với CK.
Diện tích rừng bị cháy 6,2 ha trên địa bàn huyện Tân Biên và Tân Châu.  Phát hiện 35 vụ vi phạm quy định về Luật Lâm nghiệp (tăng 16 vụ so với CK); đã điều tra, xác minh xử lý hành chính 15 vụ (tăng 06 vụ so với CK). 
Thực hiện tốt công tác điều tiết nước tưới, đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất. Thường xuyên theo dõi, nâng cấp, sửa chữa hệ thống cấp nước tập trung phục vụ nhu cầu sử dụng nước nông thôn đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, tính đến nay số hộ dân sử dụng nước 20.965 hộ (tăng 527 hộ so với CK).
     Công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp ước giảm 0,3% so với CK, tuy nhiên mức giảm không đáng kể, trong đó ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh là chế biến, chế tạo giảm 0,07%.
Tính đến 01/3/2023, ngành điện đã cung cấp 432,27 triệu kWh điện, đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt, bán sang Campuchia 26,32 triệu kWh điện và tiết kiệm được 17,36 triệu kWh điện.
    Thương mại, dịch vụ và du lịch
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 26.066 tỷ đồng, tăng 11,1% so với CK. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước thực hiện 20.492 tỷ đồng, tăng 10,1% so CK; doanh thu dịch vụ vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 1.516 tỷ đồng, tăng 48,7% so với CK. 
Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.176 triệu USD, đạt 16,8% so với KH, giảm 19,7% so với CK. Kim ngạch nhập khẩu đạt 1.244 triệu USD, đạt 20,2% so với KH, giảm 10,2% so với CK. Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030.
Tổng doanh thu du lịch 980,4 tỷ đồng, đạt 54,5% so KH, tăng 88% so CK; với 2,5 triệu lượt khách tham quan tại các khu, điểm du lịch, đạt 50% so KH, tăng 18,3% so CK. 
    Đầu tư phát triển
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 8.397 tỷ đồng, đạt 19,9% so với KH, tăng 6,8% so với CK. Bao gồm: khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,5%, khu vực dân doanh tăng 3,7%, khu vực nhà nước giảm 5% so với CK. 
Tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng ước đạt 61.900 tỷ đồng, tăng 0,6% so với đầu năm và tăng 8,9% so với CK; trong đó vốn huy động trên 12 tháng ước đạt 6.040 tỷ đồng, chiếm 9,8% tổng nguồn vốn huy động, tăng 0,1% so với đầu năm. Tổng dư nợ ước đạt 88.900 tỷ đồng, tăng 3,5% so với đầu năm và tăng 10,7% so với CK; tỷ lệ nợ xấu 0,7% tổng dư nợ.
Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 2.946 tỷ đồng, đạt 26,8% dự toán, giảm 0,8% CK; trong đó thu nội địa 2.632 tỷ đồng, đạt 27,4% so dự toán, tăng 4,3% so với CK; thu xuất nhập khẩu 314 tỷ đồng, đạt 22,4% so dự toán, giảm 29,6% so với CK. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 3.127 tỷ đồng, đạt 28% dự toán, tăng 6,6% so với CK.
Tổng vốn đầu tư XDCB năm 2023 là 4.579,416 tỷ đồng, đã giao chi tiết 4.242,735 tỷ đồng, đạt 92,6% KH HĐND tỉnh giao. Ước giải ngân đến cuối quý I là 1.148,5 tỷ đồng, đạt 28,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 25,1% kế hoạch HĐND tỉnh giao.
−    Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh
Ban hành Kế hoạch hành động về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023. Hướng dẫn quy trình thủ tục thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Xem xét, ban hành danh mục kêu gọi đầu tư năm 2023 và quy định điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ diện tích khu đất công để tách thành dự án độc lập hướng đến sự minh bạch, thuận lợi hơn về môi trường đầu tư.
Tính đến 15/3/2023, thu hút đầu tư trong nước ước đạt 708 tỷ đồng, giảm 90,9% so với CK. Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 101,8 triệu USD, giảm 52,2% so với CK. Cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 148 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 649,6 tỷ đồng, so với CK giảm 26% về số doanh nghiệp và giảm 50,6% về vốn đăng ký. 
Thành lập mới 02 hợp tác xã (HTX) thuộc lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp; giải thể 05 HTX; lũy kế có 175 HTX với tổng vốn điều lệ là 240 tỷ đồng và 37.020 thành viên. Xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
−    Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
Ban hành kế hoạch và tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo đúng quy định. Đã thực hiện cấp 62 giấy chứng nhận cho tổ chức với tổng diện tích 36,54 ha; cấp 22.409 giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất với diện tích 4.072,12 ha, trong đó cấp 426 giấy chứng nhận lần đầu với diện tích 143,6 ha. Xem xét, thông qua quy định về điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nhằm tạo thuận lợi cho người dân thực hiện quyền và tăng cường về quản lý đất đai, hạn chế tình trạng phân lô bán nền.
Tập trung thực hiện Phương án sử dụng quỹ đất công ty nông lâm nghiệp (Công ty TNHH MTV Mía đường Tây Ninh, Công ty Cổ phần Cao su 1-5); khẫn trương xử lý các hợp đồng  theo phương án sắp xếp; đẩy nhanh tiến độ  thanh lý vườn cây, thu hồi công nợ  và tiếp nhận quản lý diện tích đất bàn giao về địa phương hiệu quả.
Triển khai thực hiện Nghị định số 02/2023/NĐ-CP ngày 01/02/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước. Triển khai lập phương án sử dụng tài nguyên nước, lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện dự án “Khoanh định, phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”. Công tác cấp phép khai thác khoáng sản, giấy phép về thăm dò, khai thác nước dưới đất, giấy phép xả thải vào nguồn nước đảm bảo theo quy định. 
−    Công tác quy hoạch và liên kết vùng
Dự thảo Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Hội đồng thẩm định tại Tờ trình số 11/TTr-SKHĐT ngày 27/01/2023. Ngày 14/3/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được các chuyên gia, thành viên hội đồng thẩm định tham dự đồng ý thông qua có chỉnh sửa, bổ sung.
Chủ động, tích cực phối hợp với các tỉnh thành sơ kết, tổng kết và xây dựng các chương trình hợp tác phát triển cơ chế phối hợp liên kết vùng. Xây dựng Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Tây Ninh với tỉnh Long An và tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023-2025. Tham dự Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam bộ; Chương trình tham quan, thảo luận mô hình phát triển dựa trên công nghiệp giữa tỉnh Bình Dương và các Tỉnh/Thành phố và sự kiện “Bình Dương: Khởi động – Kết nối – Phát triển mới”. Tham mưu xây dựng Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đề xuất Dự án đầu tư Khu công nghiệp – Đô thị và Công ty Liên danh Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (Vsip).
1.2.    Văn hóa, xã hội 
Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”. Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào dạy học và quản lí. Đa dạng hóa các hình thức tư vấn, hướng nghiệp, định hướng phân luồng tạo điều kiện cho học sinh tìm hiểu thực tế tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh. Xây dựng Đề án xã hội hóa giáo dục và đào tạo tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. 
Ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2023; Kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động làm việc trong Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023-2025 và năm 2023. Có 120 doanh nghiệp đăng ký nhu cầu sử dụng lao động, với nhu cầu tuyển dụng 838 người. Tư vấn việc làm và học nghề cho 3.678 lượt lao động, tổ chức đưa 35 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.
Xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh. Kiểm định 348 phương tiện đo, kết quả đạt yêu cầu. Phát hành 03 bản tin về hàng rào kỹ thuật trong thương mại tỉnh Tây Ninh. Cập nhật và đăng tải 79 tin tức liên quan đến hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng lên website https://tbt.tayninh.gov.vn.
Thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh, duy trì hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19, sẵn sàng đáp ứng nhanh với mọi tình huống dịch bệnh. Thực hiện công tác tiêm vắc xin. Thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Đảm bảo thuốc cho hệ thống y tế công lập thực hiện tốt khám chữa bệnh cho người dân. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,15%.
Các chính sách về an sinh xã hội được thực hiện tốt. Tổng kinh phí thực hiện công tác chăm lo, phục vụ Tết Nguyên đán là 130,624 tỷ đồng. Thực hiện xây dựng và bàn giao 86 căn nhà đại đoàn kết. Phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022. Ban  hành Kế hoạch rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh Tây Ninh.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức sôi nổi, hiệu quả, đi vào chiều sâu, gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương và xây dựng văn hóa, con người Tây Ninh, đồng thời giới thiệu và quảng bá hình ảnh tỉnh Tây Ninh đến với du khách trong nước và quốc tế. Tổ chức Hội xuân Núi Bà Đen năm Quý Mão 2023 và Lễ hội “Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh” lần thứ I. Nghề làm muối ớt Tây Ninh vừa được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Thành lập đoàn thể thao môn Bóng đá tham gia thi đấu tại Vòng loại Giải Bóng đá vô địch U17 quốc gia 2023. Tổ chức tháng hoạt động thể dục thể thao cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2023.
Ban hành Kế hoạch về Công tác thông tin đối ngoại tỉnh Tây Ninh năm 2023; Kế hoạch về nâng cấp, phát triển hệ thống Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh đến năm 2025. Cung cấp thông tin kịp thời về các sự kiện trọng đại của đất nước, thông tin kịp thời về tình hình kinh tế - xã hội, công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
1.3.    Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phòng, chống tham nhũng
    Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số
Ban hành Kế hoạch tuyên truyền cải cách hành chính năm 2023; Kế hoạch đào tạo chuyển đổi số và an toàn thông tin mạng năm 2023; Hướng dẫn quy trình thủ tục thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giúp nhà đầu tư có thể biết được thành phần hồ sơ, các bước quy trình và thời gian thực hiện; Bộ chỉ số Đánh giá năng lực cạnh tranh sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (DDCI) thuộc tỉnh Tây Ninh; Bộ Chỉ số cải cách hành chính năm 2023; Kế hoạch chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin năm 2023 và một số đột phá về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Kết quả giải quyết thủ tục hành chính từ ngày 01/01/2023 đến 16/3/2023: Số hồ sơ tiếp nhận phải giải quyết là 101.241 hồ sơ, trong đó có 91.546 hồ sơ giải quyết trước hạn, đúng hạn (90,42%); 7.666 hồ sơ chưa giải quyết – còn hạn (7,57%); 254 hồ sơ chưa giải quyết – quá hạn (0,25%); 1.774 hồ sơ đã giải quyết – quá hạn (1,75%).
    Công tác tư pháp, thi hành án dân sự
Thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được 863 cuộc với hơn 28.340 lượt người tham gia; tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh 1.266 giờ; tủ sách pháp luật có 113 lượt người tìm hiểu. 
Công tác trợ giúp pháp lý: tham gia tố tụng 91 vụ cho 91 người thuộc diện được trợ giúp pháp lý miễn phí. Thực hiện tư vấn pháp luật tại trụ sở cho 37 lượt người dân. Công tác hòa giải đã tiếp nhận 80 vụ; đưa ra hòa giải 80 vụ, trong đó hòa giải thành 73 vụ đạt 86,7%, hòa giải không thành 07 vụ.
Thi hành án dân sự (từ ngày 1/10/2022 đến 28/02/2023): Tổng số việc giải quyết là 17.548 việc (trong đó số thụ lý mới là 6.246 việc, tăng 1.125 việc so với CK). Tổng số việc phải thi hành: 17.449 việc, trong đó số việc có điều kiện giải quyết 11.101 việc, đã thi hành xong 3.981 việc; số việc chưa có điều kiện giải quyết 6.088 việc.
    Công tác thanh tra, kiểm tra
Thực hiện 32 cuộc thanh tra hành chính, chủ yếu trên lĩnh vực tài chính ngân sách (05/21 cuộc), còn lại là các lĩnh vực đất đai, quản lý hành chính, xây dựng cơ bản; đã ban hành kết luận 11 cuộc, kiến nghị xử lý hành chính đối với 07 tổ chức và 128 cá nhân. Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã triển khai 2.341 cuộc, ban hành kết luận 2.328 cuộc đối với 5.989 cá nhân và 364 tổ chức, phát hiện 121 cá nhân và 47 tổ chức vi phạm, đã ban hành 148 quyết định xử phạt hành chính với số tiền 2.891 triệu đồng.
Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân: Toàn tỉnh đã tiếp 495 lượt, 423 người, 370 vụ việc; phân loại, xử lý kịp thời 48 đơn khiếu nại, tố cáo đủ điền kiện xử lý. Tổng số đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết là 18 đơn (15 đơn khiếu nại, 03 đơn tố cáo), đã giải quyết 09 đơn, đạt 50% trên tổng số thụ lý, số còn lại đang xác minh, xem xét giải quyết.
    Công tác phòng, chống tham nhũng
Ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023; tổ chức 263 cuộc tuyên truyền với 8.233 lượt người tham dự.
Thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai minh bạch tại 05 cơ quan, phát hiện 01 cơ quan còn hạn chế, thiếu sót; tiến hành 03 cuộc thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý sử dụng tài chính liên quan đến chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện sai phạm 03 cuộc/26 người với số tiền sai phạm đã xử lý 3,07 tỷ đồng; thực hiện kiểm soát xung đột lợi ích năm 2023 phát hiện và xử lý 03 vụ, 03 người theo quy định của pháp luật; thực hiện chuyển đổi 06/108 trường hợp nhằm phòng ngừa tham nhũng.
1.4.    Quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được duy trì thường xuyên
Tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thực hiện tốt công tác tuyển quân năm 2023 đạt chỉ tiêu ở 03 cấp. Bàn giao 30 căn nhà/06 điểm dân cư liền kề chốt dân quân, lũy kế đã xây dựng 115 căn nhà/21 điểm dân cư liền kề chốt dân quân. Các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng đã phối hợp chặt chẽ, theo dõi nắm chắc tình hình, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự trên tuyến biên giới.
Tình hình trật tự an toàn xã hội (từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/03/2023): Tiếp nhận 239 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự (giảm 89 vụ so với CK), làm rõ 235 vụ 499 đối tượng, đạt 98,33%. Trong đó tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng tiếp nhận 51 vụ (giảm 04 so với CK), làm rõ 49 vụ 83 đối tượng, đạt 96,08% (vượt tỷ lệ Bộ Công an giao 6,08%).
Tai nạn giao thông (từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/03/2023): Xảy ra 31 vụ, chết 17 người, bị thương 15 người. So với CK, tăng 07 vụ (+29,2%), tăng 05 người chết (+41,7%), giảm 01 người bị thương (-6,3%).
Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, giải quyết tốt công tác bảo hộ công dân và người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Tây Ninh. Tổ chức Họp mặt hữu nghị mừng Xuân Quý Mão năm 2023 với các đại biểu Vương quốc Campuchia. Triển khai thực hiện các chương trình hợp tác đã ký kết, phối hợp bảo đảm an ninh trật tự trên khu vực biên giới, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác.
2.    Đánh giá chung
Kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2023 đạt một số kết quả tích cực. Kinh tế tiếp tục được phục hồi và đạt mức tăng trưởng 2,21%. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tăng khá so với cùng kỳ. Thu nội địa tăng so với cùng kỳ, lĩnh vực tín dụng ngân hàng ổn định và dư  nợ tăng khá so với cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ diễn ra nhộn nhịp nhờ các hoạt động lễ hội có sự chuyển biến về chất lượng, với sự đầu tư mang đậm nét đặc sắc riêng, nâng cao phục vụ các sản phẩm về du lịch, du khách và doanh thu du lịch tăng khá cao và đa số khách du lịch đã có phản hồi tích cực. Công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch được tích cực triển khai ngay từ những tháng đầu năm, mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện, ước giải ngân đạt 28,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 25,1% kế hoạch HĐND tỉnh giao (Quý I/ 2022: đạt 16,16% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 10% kế hoạch HĐND tỉnh giao). Các chính sách về an sinh xã hội chăm lo đời sống cho người dân được quan tâm nhất là các đối tượng gặp khó khăn, thiếu hoặc mất việc làm trong dịp Tết Nguyên đán. Tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế được khắc phục, đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện cung ứng các mặt hàng thuốc cho các cơ sở y tế, giải quyết cấp bách tình trạng thiếu thuốc BHYT trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2023 đảm bảo theo kế hoạch đề ra; quốc phòng - an ninh được đảm bảo, không để xảy ra điểm nóng trên khu vực biên giới.
Bên cạnh kết quả đạt được, một số lĩnh vực vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước giảm so với cùng kỳ, trong đó thu hút đầu tư trong nước giảm mạnh. Kim ngạch xuất khẩu giảm ở một số mặt hàng chủ lực. Tình hình tai nạn giao thông tăng cả về số vụ và số người chết. Kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa được thực hiện nghiêm túc, các nội dung trình theo Chương trình công tác của UBND tỉnh còn chậm.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây