Tổ chức lại các hoạt động sản xuất ngành nghề nông thôn, nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống theo hướng hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thông qua các hình thức hợp đồng liên kết.
Sản xuất hàng mây tre tại HTX Mây tre lá số 2 xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành.
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh năm 2022, với các nội dung trọng tâm như sau: các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện tăng cường tuyên truyền chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn; triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở sản xuất duy trì và phát triển các sản phẩm ngành nghề nông thôn theo thế mạnh của từng địa phương.
Các địa phương có nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm bảo tồn các nghề truyền thống: bánh tráng, mây tre đan, làm nhang, mộc gia dụng, gò nhôm, chằm nón lá, rèn, đúc gang...
Đồng thời, phát triển các ngành nghề mới như: muối ớt, muối tôm, gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh, dịch vụ và du lịch nông thôn, đan lát lục bình... để phát huy tiềm năng, thế mạnh mỗi địa phương. UBND cấp huyện rà soát, lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn đạt các tiêu chí theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn.
Tỉnh triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn như: xúc tiến thương mại; chương trình khoa học công nghệ; đào tạo nghề phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn; khuyến công; Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phấn đấu có từ 10-15 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó, có ít nhất 1 sản phẩm ngành nghề nông thôn được công nhận là sản phẩm OCOP; phát triển ngành nghề nông thôn, nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với du lịch.
Trong năm 2022, tỉnh tập trung triển khai thực hiện 11 dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó: huyện Dương Minh Châu 3 dự án, thị xã Hoà Thành 2 dự án, huyện Tân Biên 1 dự án, huyện Tân Châu 3 dự án, thị xã Trảng Bàng 2 dự án.
Tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn năm 2022 khoảng 24 tỷ đồng, trong đó: kinh phí lồng ghép từ các chương trình hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn dự kiến khoảng 9,6 tỷ đồng (ngân sách Trung ương khoảng 2,9 tỷ đồng, ngân sách địa phương 6,6 tỷ đồng); kinh phí thực hiện các dự án đầu tư hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn dự kiến trên 14,3 tỷ đồng (ngân sách Trung ương khoảng 4 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1,2 tỷ đồng, vốn đối ứng của doanh nghiệp, hộ gia đình khoảng 8,9 tỷ đồng).
UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khuyến khích hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn: tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP, tập trung hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh doanh lĩnh vực ngành nghề nông thôn.
Tổ chức lại các hoạt động sản xuất ngành nghề nông thôn, nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống theo hướng hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thông qua các hình thức hợp đồng liên kết.
Bên cạnh đó, phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ cho hoạt động sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm ngành nghề nông thôn theo chuỗi giá trị. Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn: từng bước hình thành các vùng nông nghiệp công nghệ cao, vùng chuyên canh các loại cây trồng, cây ăn quả... nhằm giới thiệu, quảng bá đặc sản lại các điểm, tuyến du lịch.
Huy động các nguồn lực để hỗ trợ phái triển ngành nghề nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt chú trọng hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại điện tử đối với các sản phẩm nghề truyền thống và sản phẩm đặc sản khác của địa phương; thường xuyên cập nhật, nắm bắt tình hình phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh và tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ trong quá trình thực hiện.