Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội

Thứ ba - 22/06/2021 17:00 111 0
Trách nhiệm thật trên môi trường ảo

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ quy tắc hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng mạng xã hội, góp phần phát triển môi trường mạng theo hướng an toàn, lành mạnh hơn. Việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là hết sức cần thiết khi cụ thể hóa những hành vi có khả năng khiến người dùng vi phạm pháp luật khi tham gia môi trường mạng.

Xây dựng môi trường mạng an toàn

Theo số liệu thống kê, tính tới thời điểm hiện tại đang có khoảng hơn 75% dân số Việt Nam, tương đương với 76 triệu người sử dụng mạng xã hội. Chỉ riêng giai đoạn từ 2020 - 2021, số lượng người sử dụng các dịch vụ xuyên biên giới này đã thêm tới 7 triệu, mức tăng trưởng thuộc nhóm đầu thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội cũng đã tạo ra nhiều hệ luỵ. Từ những hành vi thiếu chuẩn mực trong đăng tải thông tin, tung tin giả, tin xấu độc cho đến mất an toàn thông tin đang là vấn nạn gây ra hậu quả tiêu cực cho người dùng.

Đứng trước thực trạng trên, mới đây Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Đây được xem là hành động kịp thời nhằm hướng dẫn người dùng những chuẩn mực đạo đức, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, qua đó góp phần xây dựng mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.

Cụ thể, Bộ Quy tắc có phạm vi áp dụng là toàn bộ các đối tượng đang sử dụng mạng xã hội như cá nhân, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước cho đến nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam. Theo đó, các cá nhân và tổ chức được khuyến nghị sử dụng họ, tên thật, tên hiệu thật để đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ nhằm xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội.

Bộ Quy tắc đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề chia sẻ thông tin. Các tổ chức, cá nhân chỉ nên chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy. Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Các hành vi như dùng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo, ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục cũng được khuyến nghị không nên sử dụng.

Đặc biệt, hành vi tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội cũng được liệt vào dạng cấm sử dụng trên môi trường mạng.

Bộ Quy tắc cũng có những khuyến nghị dành riêng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước. Theo đó, ngoài tuân thủ các quy tắc cho cá nhân, tổ chức nêu trên thì còn phải thực hiện nội quy của cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp thông tin lên mạng xã hội. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước cũng cần thông báo tới cơ quan chủ quản để kịp thời có hướng xử lý, trả lời, giải quyết khi có những ý kiến, thông tin trái chiều, thông tin vi phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực quản lý của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ mạng cũng cần phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định. Có thể kể đến như công bố rõ ràng các điều khoản sử dụng dịch vụ, bao gồm các quyền và nghĩa vụ của nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng. Chủ động phát hiện, thông báo và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn, loại bỏ các nội dung thông tin vi phạm bản quyền, vi phạm pháp luật.

Đáng chú ý, Bộ Quy tắc còn yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải có trách nhiệm hướng dẫn sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của "người yếu thế" trong xã hội. Có biện pháp để bảo đảm sự an toàn và phát triển lành mạnh của trẻ em, trẻ vị thành niên trên môi trường mạng.

Nâng cao trách nhiệm người dùng mạng xã hội

Trước khi Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được ban hành, Quốc hội đã ban hành Luật An ninh mạng (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng cùng với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trước tình trạng báo động về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội trong học sinh như hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục, các ban ngành, đoàn thể đã chủ động triển khai các chuyên đề về kỹ năng ứng xử cho học sinh. Đây là một trong những hoạt động cần được nhân rộng và triển khai một cách thiết thực. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã đẩy mạnh công tác truyền thông để cải thiện văn hóa ứng xử trên không gian mạng, với một số khẩu hiệu thiết thực cần được lan tỏa rộng rãi như: "Nội dung lành, lướt mạng sạch" , "Thông tin là tài sản, tài khoản là riêng tư"; "Đưa tin có trách nhiệm, dẫn tin đã kiểm nghiệm"; "Chuyện đẹp tin tốt quanh ta, phải share mạnh mẽ mới là văn minh"…

Và việc Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cũng là một biện pháp góp phần cải thiện việc ứng xử văn hóa trên không gian mạng.

Để tăng tính hiệu quả, phát huy tính khả thi của Bộ Quy tắc, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, tổ chức nên sử dụng bộ quy tắc chung này như những gợi ý mang tính nguyên tắc để xây dựng, ban hành bộ quy tắc ứng xử riêng cho ứng xử trên mạng xã hội của cán bộ, công chức, nhân viên và người lao động thuộc lĩnh vực quản lý của mình.

Một điều quan trong hơn cả là mạng xã hội có xây dựng được văn hóa ứng xử lành mạnh hay không chính là phụ thuộc vào hành vi của mỗi người sử dụng, do đó người dùng phải có trách nhiệm hơn trong mỗi lời nhận xét, phê bình, hay gắn biểu tượng cảm xúc của mình khi tham gia mạng xã hội. Phải kiểm chứng nội dung từ các nguồn tin có bảo đảm cao, như các trang, cổng thông tin chính thức của các cơ quan Đảng, Nhà nước; các Báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã được cấp phép.

Người dùng cũng cần kiểm tra sự đồng nhất giữa tiêu đề và nội dung, tránh các bài viết giật tít để câu view trong khi thông tin không liên quan, tránh trở thành nạn nhân của tin giả hay lừa đảo...

Nên lan tỏa những thông tin, hình ảnh tốt đẹp về các hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng, phê phán những cái xấu, biểu hiện lệch lạc, hướng tới thông điệp nhân văn, xây dựng văn hóa người Việt thanh lịch, văn minh. Đồng thời cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, không sử dụng ngôn ngữ tục tĩu, cá biệt, có tính bạo lực; chỉ đăng, phát thông tin rõ nguồn gốc, đã được kiểm chứng. Không khai thác trái phép dữ liệu cá nhân của người khác cho mục đích thương mại, hoặc các mục đích khác.

Đặc biệt, không được lập nhóm, hội để nói xấu, công kích lẫn nhau; không đăng tải, chia sẻ thông tin có thể gây xúc phạm, làm mất uy tín, danh dự cá nhân; không theo đám đông khi chưa hiểu rõ về vụ việc đó, hoặc không có căn cứ, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội... .


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây