Chỉ thị của UBND tỉnh về thực hiện một số nhiệm vụ phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp

Thứ sáu - 17/07/2020 13:00 138 0
Ngày 16/7/2020, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về thực hiện một số nhiệm vụ phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản và cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nhằm thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ảnh minh họa

Chỉ thị nêu rõ, mặc dù trong thời gian qua cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản đạt được những thành tựu đáng kể, tuy nhiên, sự phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của ngành nông nghiệp và thế mạnh của nhiều địa phương. Mức độ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp ở một số khâu còn thấp; công nghiệp phụ trợ chưa phát triển khiến giá vật tư, trang thiết bị cao do phải nhập khẩu. Sản phẩm chế biến nông sản chủ yếu vẫn là sơ chế nên giá trị gia tăng thấp (chiếm tới 70 - 80%), chủng loại chưa phong phú; các nông sản xuất khẩu chủ yếu vẫn là xuất thô, sơ chế, tỷ lệ chế biến sâu chỉ đạt khoảng 30%; nhiều doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu đảm bảo về số lượng, chất lượng; trình độ công nghệ chế biến nông sản nhìn chung đạt ở mức độ trung bình trên thế giới.

Hệ thống Logistics phục vụ nông nghiệp mới phát triển nên còn nhiều hạn chế, chi phí còn cao. Lao động được đào tạo còn ít nên việc đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp chưa cao. Cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa đủ hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản; nguồn lực để triển khai các chính sách đã ban hành còn hạn chế, nên việc thực hiện chính sách không hiệu quả.

Theo đó, UBND tỉnh đề nghị Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện các nội dung cụ thể sau:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu nông lâm thuỷ sản phục vụ cho phát triển sản xuất công nghiệp chế biến phù hợp với nhu cầu phát triển của tỉnh và tích hợp vào quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Triển khai thực hiện các đề án, dự án liên quan đến lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản chủ lực của tỉnh như: rau củ quả, mía, mì, cao su, điều, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Triển khai các giải pháp đồng bộ, kịp thời nhằm khôi phục lại các hoạt động sản xuất, chế biến, cung ứng nông sản bị ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19, đảm bảo vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng ngành, xuất khẩu nông sản. Chủ động nghiên cứu và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.

Sở Công Thương triển khai cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp, trong đó tập trung vào công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp. Ưu tiên nguồn vốn khuyến công hàng năm cho ngành công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản và sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy nông nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm nguồn cung ứng máy móc, thiết bị, cung cấp thông tin về giá cả, thị trường.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công Chương trình MTQG (vốn NSTW, NSĐP) để thực hiện hỗ trợ cho các dự án theo quy định tại Quyết định số 20/2020/QĐ-UBND ngày 12/6/2020 của UBND tỉnh Tây Ninh ban hành quy định chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020 - 2025.

Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tây Ninh tăng cường kết nối giữa ngân hàng trên địa bàn tỉnh với doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đặc biệt là các dự án đầu tư vào công nghệ chế biến nông lâm sản và cơ giới hóa nông nghiệp.

UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được UBND tỉnh và các sở ngành giao tại các văn bản có liên quan đến hoạt động của công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng mô hình đưa cơ giới hóa vào sản xuất có hiệu quả kinh tế cao để tham quan, học hỏi và nhân rộng; trích ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất phục vụ phát triển cơ giới hóa nông nghiệp.

Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất; phổ biến rộng rãi nhưng kiến thức, những kinh nghiệm về phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Nam Kha

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây