Cùng tham dự có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Phong, lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có 3 điều. Trong đó, Điều 1 dành để sửa đổi, bổ sung 51 điều (sửa đổi, bổ sung 50 điều, bổ sung mới hoàn toàn 1 điều là Điều 68a) của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015; Điều 2 Bổ sung, thay thế một số cụm từ tại một số điều, khoản, điểm của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Điều 3 là Điều khoản thi hành. Dự thảo Luật này sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV (sẽ diễn ra vào ngày 20/5 tới đây) và dự kiến, Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
Tại cuộc họp, các đại biểu góp ý kiến về phạm vi điều chỉnh của Luật; xem xét vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được luật hóa tại Điều 6; việc xử lý trách nhiệm đối với tình trạng nợ văn bản hướng dẫn luật; Trách nhiệm chủ trì giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án dự thảo Luật; Thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở huyện, xã…
Trong thảo luận, góp ý, có ý kiến đề nghị xem xét việc sửa đổi một cách toàn diện đối với dự án Luật này. Nhiều ý kiến nhất trí chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 như ý kiến của lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh. Về trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, nghị quyết, các ý kiến tán thành với Phương án 2, "cơ bản giữ như Luật hiện hành là cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết". Các ý kiến này cho rằng quy định như hiện nay sẽ giảm tải được công việc cho các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, bảo đảm tính khách quan trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết. Có ý kiến đồng ý việc luật hóa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thực hiện phản biện xã hội và đề nghị thêm tổ chức này cần phải phản biện một cách có trách nhiệm. Các nội dung còn lại của dự thảo Luật, các đại biểu cơ bản tán thành.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Huỳnh Thanh Phương - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cho rằng, qua 6 lượt ý kiến, góp ý thẳng thắn về nội dung của dự thảo Luật cho thấy có một số ý kiến mang tính phản biện cao, đặt ra nhiều vấn đề để các đại biểu Quốc hội cần lưu ý trong quá trình làm luật.
Đa số ý kiến đều đồng ý phạm vi điều chỉnh, chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, chỉ có một ý kiến đề nghị cần sửa đổi toàn diện. Đồng chí còn giải trình thêm nguyên nhân Quốc hội sửa đổi, bổ sung luật này. Với sự thận trọng, Quốc hội mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý từ thực tiễn, để xem có vấn đề nào thực tiễn đặt ra, còn bị bỏ sót trong lần sửa đổi này nhằm hạn chế phải sửa nhiều lần và cũng để luật mang tính ổn định.
Chính Thuần