Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mấy và lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.
Theo Cục Chăn nuôi, trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tổng đàn lợn giảm liên tục. Đến năm 2020, tổng đàn lợn được hồi phục nhẹ (22 triệu con) và tăng trưởng trở lại vào năm 2021 (28 triệu con). Năm 2021, sản lượng thịt lợn đạt 4,18 triệu tấn, chiếm 62,5% trong tổng sản lượng thịt hơi (6,69 triệu tấn).
Sản lượng lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh năm 2019, 2020, xuống còn 3,4-3,5 triệu tấn, hiện nay đã tăng lên 3,8-3,9 triệu tấn.
Tổng số lượng thịt lợn và phụ phẩm nhập khẩu khoảng 148 ngàn tấn (tương đương 4,3% tổng sản lượng thịt lợn hơi sản xuất năm 2020). Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 346.000 con lợn sống và nhập khẩu 143.463 tấn thịt lợn từ Nga, Braxin, Mỹ, Đức, Ba Lan. Tính riêng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu khoảng 5.000 tấn lợn sữa và lợn choai sang thị trường Hồng Kông, Trung Quốc và Malaysia…
Giá lợn thịt hơi xuất chuồng của 3 miền biến động khá thống nhất, không có chênh lệch lớn giữa các vùng, tuy nhiên, do khả năng cung ứng khác nhau, giữa các tỉnh có sự chênh lệnh trong khoảng 2-4 ngàn đồng/kg lợn hơi.
Năm 2021, theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, cả nước có 20.843 cơ sở chăn nuôi lợn từ 10 con trở lên với tổng đầu con 11,7 triệu con chiếm tỷ lệ 41,6% so với tổng đàn lợn của cả nước.
Bên cạnh đó, dịch tả lợn Châu Phi đã gây sụt giảm mạnh tổng đàn dẫn đến thiếu hụt thực phẩm buộc nước ta phải nhập khẩu thịt lợn, thậm chí cả lợn sống về giết mổ làm thực phẩm. Về thức ăn chăn nuôi, hiện nay tỷ trọng thức ăn chăn nuôi công nghiệp (thức ăn được sản xuất tại các cơ sở có dây chuyền, thiết bị công nghiệp) chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu thức ăn của toàn ngành chăn nuôi, số còn lại (khoảng 30%) là do người chăn nuôi tận dụng từ nguồn nguyên liệu thức ăn sẵn có hoặc mua nguyên liệu về tự phối trộn.
Năm 2021, cả nước có 269 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, tập trung nhiều nhất ở vùng đồng bằng Sông Hồng, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng công suất thiết kế của 269 cơ sở là 43,3 triệu tấn, trong đó doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 51%, trong nước chiếm khoảng 49%.
Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp của cả nước năm 2019 đạt 18,9 triệu tấn, đến năm 2021 đạt 21,9 triệu tấn, tăng 15,9%. Thức ăn chăn nuôi cho lợn chiếm 55,8%.
Để đáp ứng sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp như đã nêu trên, nước ta cần số lượng rất lớn nguyên liệu thức ăn tinh. Năm 2021, cả nước cần trên 33 triệu tấn, trong đó trong nước cung cấp được khoảng 13 triệu tấn (chiếm khoảng 40%), số còn lại từ nguồn nhập khẩu (22,3 triệu tấn). Tuy nhiên, giá nguyên liệu thức ăn công nghiệp tăng mạnh và tăng liên tục từ tháng 10/2020 đến nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp trong nước cũng tăng theo.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các doanh nghiệp sản xuất không tăng giá thức ăn chăn nuôi. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, trước mỗi khó khăn, thách thức thì hệ sinh thái nhà nước, doanh nghiệp, trang trại, hộ nông dân cần gắn bó, chia sẻ với nhau để tạo sức mạnh chung. Rất mong các doanh nghiệp không vội tăng giá để chia sẻ cùng người chăn nuôi.
Trước việc phải nhập khẩu rất lớn lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, Thứ trưởng cho hay Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn đang được xây dựng sẽ hướng đến giải quyết vấn đề thức ăn chăn nuôi theo từng vùng, miền gắn với các cơ sở chăn nuôi. Như vậy, chuỗi sản xuất từ giống, thức ăn chăn nuôi, vùng nuôi và logistics với nhà máy chế biến thực phẩm cần được cơ cấu lại.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện đồng bộ giải pháp để tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong nước, phục vụ xuất khẩu. Đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản trị sản xuất các lĩnh vực của ngành chăn nuôi. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Tăng cường chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng; xây dựng và áp dụng các phần mềm để đảm bảo cập nhật, quản lý, khai thác các dữ liệu chăn nuôi trên phạm vi cả nước.
ML