Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng thừa giáo viên là do việc tuyển dụng không sát với nhu cầu và quy mô phát triển trường, lớp, học sinh; việc bố trí, điều động, phân công giáo viên chưa phù hợp, nhiều địa phương chưa có sự chỉ đạo thống nhất của chính quyền cấp tỉnh, thành phố trong việc điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu trên phạm vi toàn tỉnh; do cơ cấu giáo viên phải bố trí theo từng môn học; tình trạng di dân cơ học tại một số khu công nghiệp, đô thị lớn…
Để giải quyết cơ bản tình trạng thừa giáo viên, làm căn cứ cho việc duyệt và giao bổ sung biên chế giáo viên còn thiếu của các địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo rà soát số lượng và cơ cấu giáo viên ở tất cả các cấp học, môn học; xác định cụ thể số lượng, cơ cấu, độ tuổi của giáo viên dư thừa ở từng trường, từng cấp học, môn học; xây dựng phương án giải quyết phù hợp với từng đối tượng giáo viên; bố trí kinh phí để hỗ trợ giáo viên trong quá trình điều chuyển, sắp xếp; giải quyết chế độ nghỉ hưu sớm và kinh phí đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nhằm đảm bảo chế độ, chính sách cũng như an sinh xã hội đối với giáo viên.
Thực hiện đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 20/8, UBND tỉnh ban hành văn bản số 2817/UBND-KGVX về việc giải quyết tình trạng thừa giáo viên các cấp học phổ thông. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát số lượng và cơ cấu giáo viên ở tất cả các cấp học, môn học; xác định cụ thể số lượng, cơ cấu, độ tuổi của giáo viên dư thừa ở từng trường, từng cấp học, môn học; giải trình, làm rõ việc thừa, thiếu giáo viên; đồng thời xây dựng phương án giải quyết việc thừa giáo viên (nếu có) phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Lệ Hoa