Hội thảo do Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh chủ trì tổ chức với sự phối hợp của: Công ty Cổ phần Chứng nhận và Kiểm định Vinacontrol, Công ty Cổ phần HASS (với sản phẩm gạch không nung bê tông khí chưng áp HASS-AAC); Công ty Cổ phần đầu tư Hùng Anh (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương – sản xuất gạch các loại); Doanh nghiệp tư nhân Minh Tân (sản xuất khung trần thạch cao), Công ty TNHH một thành viên An Hưng Thành (xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành, Tây Ninh – sản xuất gạch bê tông khí không chưng áp).
Tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ Sở Xây dựng các tỉnh Đồng Nai, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các phòng có chức năng quản lý nhà nước về xây dựng và các ban quản lý dự án thuộc UBND các huyện, thành phố; đại diện các hội, hiệp hội ngành xây dựng, các chủ đầu tư, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội thảo, danh sách gồm 12 Tổ chức đánh giá sự phù hợp được Bộ Xây dựng chỉ định thực hiện việc thử nghiệm và chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD đã được công bố. Danh sách này đã cập nhật đến tháng 6 năm 2015, và còn tiếp tục được cập nhật. Công ty Cổ phần Chứng nhận và Kiểm định Vinacontrol là 1 trong số 12 tổ chức đánh giá sự phù hợp thuộc danh sách công bố, đã giới thiệu tại Hội thảo về hoạt động chứng nhận hợp quy của đơn vị mình.
Về trình tự, thủ tục công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa VLXD, đại diện Sở Xây dựng đã hướng dẫn chi tiết cách thức thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Sở Xây dựng số 228/HD-SXD ngày 09/02/2015; theo đó đối với hồ sơ đăng ký công bố hợp quy đầy đủ và hợp lệ theo quy định, Sở Xây dựng Tây Ninh sẽ ra Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy; công bố công khai tại cổng thông tin điện tử Sở Xây dựng.
Hội thảo cũng giới thiệu các quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về hợp quy, sử dụng sản phẩm, hàng hóa VLXD. Đối tượng có thể bị xử phạt bao gồm nhà sản xuất, kinh doanh VLXD, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình. Chi tiết về hành vi và mức phạt hành chính có quy định tại Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; và Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.
Tại Hội thảo, các đại biểu còn được đại diện Sở Xây dựng triển khai Quyết định số 1153/QĐ-UBND ngày 26/5/2015 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai phát triển sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Theo đó lộ trình và tỷ lệ sử dụng tối thiểu vật liệu xây không nung trong các dự án tăng dần từ năm 2016 là 20% đến năm 2020 là 30%; đồng thời ngay từ năm 2015 sẽ dừng phát triển các lò sản xuất gạch đất sét nung, từng bước chuyển đổi sang công nghệ sản xuất vật liệu xây không nung. Đặc biệt, đại biểu tham dự Hội thảo đã được các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây không nung giới thiệu về tính năng và các lợi ích, hiệu quả kinh tế mà sản phẩm của mình mang đến cho người tiêu dùng.
Tại phần thảo luận, đã có ý kiến quan tâm đến quy trình thủ tục và thời gian thực hiện chứng nhận hợp quy sản phẩm, hàng hóa VLXD; lộ trình chuyển đổi cũng như các chính sách của tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch đất sét nung sang gạch không nung…Đại diện Sở Xây dựng, đại diện Công ty Cổ phần Chứng nhận và Kiểm định Vinacontrol đã trả lời cụ thể cho các đại biểu.
Hội thảo đã mang lại hiệu quả rất thiết thực khi đã làm cầu nối cho các bên gồm nhà sản xuất, kinh doanh VLXD, tổ chức chứng nhận hợp quy, người sử dụng sản phẩm, hàng hóa VLXD (chủ đầu tư, thiết kế, thi công, giám sát…) và cơ quan quản lý nhà nước về VLXD có dịp trao đổi với nhau các vấn đề mà các bên quan tâm, góp phần tăng cường và làm tốt hơn công tác quản lý chất lượng VLXD, bảo đảm chất lượng công trình, cũng là bảo đảm lợi ích chính đáng của nhà sản xuất và người sử dụng sản phẩm, hàng hóa VLXD.
Sản phẩm, hàng hóa VLXD nói chung khi trong quá trình sản xuất, lưu thông trên thị trường và khi đưa vào sử dụng tại các công trình phải được quản lý, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng thông qua quy định về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy Đây là yêu cầu bắt buộc đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông VLXD; các chủ đầu tư xây dựng; các đơn vị thiết kế, thi công và cả người tiêu dùng cần phải biết các quy định nêu trên để thực hiện đúng quy định pháp luật và để bảo vệ lợi ích thiết thực của mình. Các sản phẩm, hàng hóa VLXD phải được công bố hợp quy phù hợp các quy định kỹ thuật nêu tại các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan, dựa trên kết quả Chứng nhận hợp quy do các Tổ chức đánh giá sự phù hợp được Bộ Xây dựng chỉ định hoặc thừa nhận. Thông tư số 15/2014/TT-BXD ngày 15/09/2014 của Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng mã số QCVN 16:2014/BXD đã liệt kê 10 nhóm sản phẩm VLXD kèm theo danh mục chi tiết sản phẩm, hàng hóa VLXD tiềm ẩn khả năng gây mất an toàn ngay cả trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích; đồng thời quy định các yêu cầu kỹ thuật phải tuân thủ đối với 10 nhóm sản phẩm, hàng hóa VLXD này. Theo văn bản hướng dẫn của Sở Xây dựng số 228/HD-SXD ngày 09/02/2015 đối tượng sản phẩm, hàng hóa VLXD phải công bố hợp quy bao gồm 10 nhóm sản phẩm, hàng hóa VLXD nêu tại QCVN 16:2014/BXD, và thép làm cốt bê tông thuộc Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mã số QCVN 7:2011/BKHCN được ban hành kèm theo Thông tư số 21/2011/TT-BKHCN ngày 22/9/2011 của Bộ Khoa học và Công nghệ. |
Minh Ngọc