Quang cảnh hội nghị. |
Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong năm 2015 huyện Châu Thành đã tập trung mở được 21 lớp đào tạo nghề cho 680 học viên, đạt 100% kế hoạch đề ra.
Các ngành nghề đào tạo chủ yếu gồm: khai thác mủ cao su, kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, nuôi heo, kỹ thuật trồng lúa, kỹ thuật trồng gừng, kỹ thuật trồng cây ăn quả, kỹ thuật nấu ăn, lái xe ôtô hạng B2. Tổng kinh phí cho công tác đào tạo nghề là 997 triệu đồng.
Nhìn chung, sau khi học nghề có khoảng 78% học viên tìm được việc làm hoặc tự tạo được việc làm cho bản thân và gia đình. Chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn đã từng bước đi vào cuộc sống, lao động nông thôn có tay nghề, am hiểu kiến thức khoa học kỹ thuật và giúp cho người dân áp dụng vào trong sản xuất chăn nuôi.
Hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng lúa. Ảnh minh hoạ |
Tuy nhiên, việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Châu Thành cũng gặp không ít khó khăn như: công tác thông tin, tuyên truyền chưa được thường xuyên, rộng khắp; người nghèo, người dân tộc thiểu số tham gia học nghề còn hạn chế; độ tuổi và trình độ học viên không đồng đều dẫn đến việc tiếp thu của học viên còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, phần lớn học viên là lao động chính, vừa tham gia học tập vừa làm công việc đồng áng phụ giúp gia đình nên số lượng, chất lượng còn hạn chế, chưa đảm bảo duy trì sỉ số; ngành nghề đào tạo chưa được mở rộng, chưa chọn ra được mô hình dạy nghề mới, mang hiệu quả cao để nhân rộng trên địa bàn; chưa huy động được các nguồn lực để tham gia hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, mà chủ yếu dựa vào nguồn lực nhà nước.
Dự kiến trong năm 2016, huyện Châu Thành sẽ tổ chức 17 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 588 học viên.
Theo BTNO