Hướng dẫn khai thác và sử dụng Bộ pháp điển trên địa bàn tỉnh

Thứ tư - 13/05/2020 16:00 86 0
Hiện nay có khoảng 10 nghìn văn bản quy phạm pháp luật do Trung ương ban hành đang còn hiệu lực thi hành. Các quy định về một vấn đề cụ thể còn quy định ở nhiều văn bản dẫn đến khó khăn trong tiếp cận, tra cứu, tìm kiếm các quy định theo từng vấn đề, lĩnh vực. Thậm chí, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật... Trước tình hình đó, ngày 16/4/2012 Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật có hiệu lực ngày 01/7/2013 tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho công tác xây dựng Bộ pháp điển. Nhằm mục đích tìm kiếm, tra cứu văn bản quy phạm pháp luật được nhanh chóng, kịp thời và chính xác phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước, phổ biến pháp luật, nghiên cứu, tìm hiểu, áp dụng và thi hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Ngày 12/5/2020, Sở Tư pháp ban hành hướng dẫn số 1119/HD-STP phương thức khai thác, sử dụng Bộ pháp điển như sau:

Bộ Pháp điển được quy định tại Khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật quy định: "Pháp điển là việc cơ quan nhà nước rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành, trừ Hiến pháp, để xây dựng Bộ pháp điển. Các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng Bộ pháp điển miễn phí. Bộ pháp điển gồm 45 chủ đề. Mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục (có 265 đề mục thuộc 45 chủ đề). Trong mỗi đề mục có các Phần, Chương, Mục, Tiểu mục, Điều và nội dung của các Điều. Cụ thể:

Chủ đề: Bộ pháp điển gồm 45 chủ đề được sắp xếp theo trật tự alfabet trong đó chứa đựng các quy phạm pháp luật điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội nhất định được xác định theo lĩnh vực.

Đề mục: Đề mục là bộ phận cấu thành chủ đề, trong đó chứa đựng các quy phạm pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định.

Cấu trúc đề mục (Phần, Chương, Mục, Tiểu mục, Điều): Cấu trúc của đề mục cơ bản dựa trên cấu trúc của văn bản có giá trị pháp lý cao nhất pháp điển vào đề mục đó.

Cách sắp xếp các điều trong đề mục: Điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành hoặc điều có nội dung liên quan gần nhất, theo thứ tự thứ bậc hiệu pháp lý từ cao xuống thấp hoặc theo thứ tự về thời gian ban hành đối với các văn bản cùng thứ bậc hiệu lực.  

Cách thức tra cứu, sử dụng Bộ pháp điển điện tử

Cách thứ nhất: truy cập internet vào địa chỉ http://phapdien.moj.gov.vn tại đây người dùng chọn mục "Bộ Pháp điển" ở góc trên màn hình bên tay phải để truy cập trực tiếp vào Bộ Pháp điển điện tử.

Cách thứ hai: truy cập internet vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật tại địa chỉ http://vbpl.vn tại đây người dùng chọn mục "Bộ Pháp điển điện tử" ở giữa màn hình để truy cập trực tiếp vào Bộ Pháp điển điện tử.

Hướng dẫn tra cứu, sử dụng

Cấu trúc của Bộ pháp điển được thiết kế theo hình cây từ chủ đề đến đề mục, phần, chương, mục, tiểu mục, điều. Do đó, màn hình hiển thị Bộ pháp điển điện tử đầu tiên gồm 45 chủ đề. Người dùng click chuột vào tên chủ đề mà mình muốn tìm kiếm thì màn hình xuất hiện tên các đề mục thuộc chủ đề đó. Người dùng tiếp tục click chuột vào tên đề mục thì màn hình hiện lên cấu trúc của đề mục theo thứ tự: phần, chương, mục, tiểu mục, điều.

Bên phải mỗi cấu trúc đề mục, phần, chương, mục, tiểu mục, điều đều có cụm từ "xem chi tiết". Người dùng click chuột vào cụm từ "xem chi tiết" để mở ra nội dung phần cấu trúc mà mình muốn xem (có thể xem nội dung của cả 1 đề mục hoặc 1 phần, chương, mục, tiểu mục, điều cụ thể).

Để xem điều của Bộ pháp điển là Điều nào cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật nào hoặc nội dung của điều có sự thay đổi gì không: Ngay dưới số và tên điều trong Bộ pháp điển là phần ghi chú của điều. Theo đó, phần ghi chú được đặt trong ngoặc đơn, chữ nhỏ hơn và in nghiêng đặt ngay sau số và tên điều; ghi cụ thể là điều số mấy của văn bản nào, hoặc ghi sự biến động trong nội dung của điều (điều có nội dung được sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ). Phần ghi chú được gán link đến điều tương ứng của văn bản sử dụng để pháp điển trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.

Để xem các điều có nội dung liên quan đến nhau trong Bộ pháp điển: Các điều có nội dung liên quan đến nhau được sắp xếp gần nhau theo trật tự giá trị pháp lý từ cao xuống thấp. Trường hợp các điều được pháp điển từ các văn bản có giá trị pháp lý bằng nhau thì được sắp xếp theo trật tự thời gian ban hành. Trong một số trường hợp, các điều có nội dung liên quan đến nhau không sắp xếp gần nhau thì được chỉ dẫn là có liên quan đến nhau. Phần chỉ dẫn được đặt trong ngoặc đơn, chữ nhỏ hơn và in nghiêng sau nội dung của điều hoặc sau tên của phần, chương, mục, tiểu mục trong đề mục. Phần này chú thích về các nội dung liên quan đến nhau trong Bộ pháp điển. Các điều hoặc phần, chương, mục, tiểu mục được chỉ dẫn có gán link đến phần nội dung của các điều hoặc phần, chương, mục, tiểu mục đó trong Bộ pháp điển.

Các tính năng hỗ trợ tra cứu, tìm kiếm khác: Tính năng xem theo chủ đề; Tính năng xem theo đề mục; Tính năng tìm kiếm theo từ khóa

STP

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây