Ông Nguyễn Hồng Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và lãnh đạo các Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố, các gia đình, các câu lạc bộ, đội Đờn ca tài tử trên địa bàn, các nghệ nhân ưu tú lĩnh vực đờn ca tài tử trên địa bàn đến tham dự.
Các gia đình, CLB đờn ca tài tử, nghệ nhân tham gia giao lưu
Tại hội nghị, các đại biểu cùng xem phóng sự về nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Tây Ninh và giao lưu với gia đình văn hóa đam mê đờn ca tài tử ông Lâm Văn Hiếu và bà Nguyễn Thị Huyền Mai (huyện Châu Thành), nghệ nhân ưu tú Đỗ Văn Trượng (nghệ danh Đỗ Thanh Hiền), câu lạc bộ Đờn ca tài tử Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện Gò Dầu (được thành lập năm 2015) cùng chia sẻ những niềm vui, sự đam mê và những trăn trở trong việc duy trì sức sống của loại hình nghệ thuật này.
Ông Nguyễn Hồng Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại Liên hoan
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ (được hình thành từ cuối thế kỷ 19 đến nay) trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam bộ. Nghệ thuật này đã có sự lan tỏa rất lớn tại 21 tỉnh, thành phía Nam. Năm 2013, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân Tây Ninh đã có sự đóng góp rất tích cực trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của nghệ thuật Đờn ca tài tử cải lương, được trao truyền qua nhiều thế hệ, đi sâu trong các tầng lớp nhân dân, có sức sống mãnh liệt, lan tỏa và trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là "món ăn tinh thần" không thể thiếu của người dân cả nói chung, người dân tỉnh nhà nói riêng.
Biểu diễn đờn ca tài tử tại Liên hoan
Hiện nay, Tây Ninh có 185 câu lạc bộ đờn ca tài tử cải lương đang được duy trì sinh hoạt trên địa bàn các huyện, thành phố, 36 gia đình, 30 nghệ nhân là các hạt nhân nòng cốt của nghệ thuật Đờn ca tài tử, trong đó có hai nghệ nhân vinh dự được trao tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú là nghệ nhân Đỗ Văn Trượng (nghệ danh Đỗ Thanh Hiền) và nghệ nhân Huỳnh Hữu Trí.
Ông Thanh trân trọng ghi nhận, biểu dương những thành tích của các gia đình, câu lạc bộ Đờn ca tài tử, các nghệ nhân, đội Đờn ca tài tử Nam bộ đã góp sức duy trì va lan tỏa sức sống của loại hình nghệ thuật này; đồng thời đề nghị, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục tuyên truyền quảng bá, duy trì tổ chức liên hoan Đờn ca tài tử, quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nghệ nhân, các câu lạc bộ duy trì sinh hoạt, nhất là cần nhân rộng mô hình truyền dạy nghệ thuật đờn ca tài tử cải lương trong trường học, đang được sự hưởng ứng tích cực của các em học sinh, là dấu hiệu đáng mừng để tin rằng nghệ thuật này sẽ không ngừng được tiếp thêm sức sống và được chính thế hệ trẻ duy trì, bảo tồn phát huy giá trị đến mai sau.
Các tập thể được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh
Dịp này, 16 tập thể và 17 cá nhân được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh với thành tích xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ năm 2018; 31 tập thể và 26 cá nhân được nhận giấy khen của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với thành tích tốt trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ - loại hình Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
XV