Dự án được Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện trong 4 năm với tổng kinh phí thực hiện là 6 tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương và địa phương làm tròn là 3,13 tỷ đồng, còn lại là vốn tự có của đơn vị chủ trì thực hiện dự án - Công ty Cổ phần Nghiên cứu, ứng dụng Mía đường Thành Thành Công (nay là Công ty TNHH Nghiên cứu, ứng dụng Mía đường Thành Thành Công - SRDC), KS. Phạm Tấn Hùng làm chủ nhiệm dự án.
Hình họp Hội đồng nghiệm thu dự án
Hội đồng có 09 thành viên tham gia đánh giá đóng góp cho kết quả dự án, Thạc sỹ Nguyễn Thị Kim Quyên – Giám đốc Sở KH&CN làm Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp, cùng đại diện Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh như Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Phòng NN&PTNT các huyện: Châu Thành, Tân Châu; các chuyên gia khoa học có uy tín, am hiểu sâu về lĩnh vực của Dự án, làm việc tại Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, Viện Nghiên cứu Mía đường, Trường Đại học Nông lâm Tp.HCM.
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng đã thảo luận, phân tích, đánh giá kết quả dự án theo các tiêu chí quy định, dự án cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Dự án đã hình thành 01 phòng nuôi cấy mô nhân nhanh giống mía sạch bệnh có năng suất cao và phục tráng giống đặt tại SRDC, đã nhận chuyển giao quy trình công nghệ nuôi cấy mô từ Viện Di truyền Nông nghiệp và công nghệ xử lý hom giống bằng nhiệt độ và hóa chất từ kết quả nghiên cứu của đề tài KH&CN cấp tỉnh do UBND tỉnh Tây Ninh nghiệm thu. Dự án cũng đã sản xuất thành công cây mía giống G1 bằng công nghệ nuôi cấy mô tại SRDC; Tổ chức mô hình sản xuất hom giống G1, G2, G3 đạt tiêu chuẩn của ngành mía đường, cung cấp cho các vùng nguyên liệu của các công ty mía đường thuộc Tập đoàn Thành Thành Công trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giúp tăng năng suất mía nguyên liệu 5% so với sử dụng hom mía giống thông thường và kéo dài thêm một mùa vụ gốc (1 tơ + 3 gốc).
Với kết quả đạt được sẽ góp phần chuyển đổi căn bản các công nghệ nhân giống và sản xuất thâm canh mía ở Tây Ninh nói riêng và các tỉnh miền Đông Nam bộ nói chung theo hướng công nghệ cao, quy mô công nghiệp, từng bước xây dựng phương thức sản xuất mía đường công nghiệp hóa với hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường được nâng lên; đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng lực sản xuất, tăng thu nhập cho người trồng mía, ổn định vùng nguyên liệu mía Tây Ninh.
Hội đồng đã thống nhất nghiệm thu cấp tỉnh về kết quả thực hiện dự án, xếp loại ở mức Khá và kiến nghị cơ quan chủ trì, chủ nhiệm dự án hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ KH&CN xem xét, đánh giá nghiệm thu chính thức kết quả thực hiện dự án ở cấp quốc gia./.
Sở Khoa học và Công nghệ