Sở LĐTB-XH: Tổ chức hội thảo đánh giá thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật

Thứ tư - 02/12/2015 12:00 54 0
Sở LĐTB-XH Tây Ninh vừa tổ chức hội thảo đánh giá thực hiện đề án trợ giúp người khuyết tật tỉnh giai đoạn 2012-2015 và triển khai phương hướng giai đoạn 2016-2020.

 

Lớp học cho trẻ em là nạn nhân chất độc da cam. Ảnh minh hoạ

Tham dự hội thảo có đại diện các sở, ngành như Y tế, Tài chính, Giáo dục… và đại diện Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH).

Theo báo cáo từ Sở LĐTB-XH, Tây Ninh hiện có khoảng 57.000 người khuyết tật, chiếm tỷ lệ 4,94% dân số.

Trong đó có trên 8.200 người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng; trên 4.700 người tâm thần thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và các chính sách, chế độ hỗ trợ khác đối với người khuyết tật, đạt tỷ lệ 1,13% dân số.

 Sau 4 năm thực hiện Luật Người khuyết tật và Quyết định số 1019 của UBND tỉnh, công tác trợ giúp người khuyết tật trong tỉnh đã đạt một số kết quả nhất định.

Tổng số tiền trợ cấp cho người khuyết tật Sở LĐTB-XH thực hiện trong 4 năm qua trên 140 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sở LĐTB-XH còn phối hợp thực hiện tập huấn cho cán bộ quản lý, chăm sóc người khuyết tật, kỹ năng chăm sóc người bệnh tâm thần cho thân nhân.

Có trên 200 người khuyết tật nặng được tập huấn kỹ năng sống và tìm hiểu về luật, chính sách trợ giúp người khuyết tật.

Hiện toàn tỉnh có hơn 13.000 người khuyết tật được cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật, trong đó có hơn 10.000 người khuyết tật nặng.

Các ngành khác cũng tham gia tích cực triển khai đề án, như ngành Y tế thực hiện chức năng chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phục hồi chức năng cho người người khuyết tật có nhu cầu; ngành Giáo dục tích cực huy động người khuyết tật tới trường…

Trong 2 năm 2014-2015 có 839/1.571 trẻ khuyết tật được đến trường. 100% người khuyết tật có nhu cầu được ngành Tư pháp trợ giúp pháp lý.

Công tác xã hội hoá trợ giúp người khuyết tật nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng thông qua các tổ chức như Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị, Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam và có sự đồng lòng, hỗ trợ của nhiều cá nhân trong xã hội.

Trong 4 năm qua, người khuyết tật trong tỉnh nhận được nhiều sự hỗ trợ, như tặng xe lăn, xây tặng nhà, trao bò, trao học bổng, phục hồi chức năng… với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra còn có nhiều người khuyết tật được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm.

Với những nỗ lực của nhiều ngành trong hỗ trợ người khuyết tật thời gian qua, trong giai đoạn 2016-2020, VNAH chọn Tây Ninh và Bình Phước là hai tỉnh tiếp tục triển khai Dự án trợ giúp người khuyết tật trên cả nước.

Tại hội thảo này, các đại biểu cũng chỉ ra những mặt hạn chế, khó khăn còn tồn tại khi thực hiện Luật Người khuyết tật và các chính sách hỗ trợ hiện nay.

Trong đó công tác tuyên truyền về Luật còn hạn chế khiến nhiều người khuyết tật còn chưa nhận thức rõ; thiếu phương tiện trợ giúp người khuyết tật hoà nhập cộng đồng;

Công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức và chưa có sự đồng bộ của nhiều ngành liên quan. 

Vấn đề sinh hoạt văn hoá tinh thần của người khuyết tật còn thiếu thốn; tỷ lệ trẻ khuyết tật đến trường còn thấp hơn chỉ tiêu.

Phát biểu tại buổi hội thảo, bà Diệp Thị Hiệp-Giám đốc Sở LĐTB-XH cho rằng, qua buổi hội thảo giúp các ngành cùng nhìn ra những khó khăn, hạn chế để khắc phục trong thời gian tới.

Bà Diệp cũng mong muốn, trong giai đoạn này các ngành sẽ có sự chung tay đồng lòng để việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người khuyết tật hiệu quả hơn.

 

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây