Tuy nhiên, công tác THADS vẫn còn những hạn chế, khó khăn, bất cập như: chưa đạt chỉ tiêu về việc; số việc, tiền có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau còn nhiều; một số vụ việc thi hành án chưa được giải quyết dứt điểm, có vụ việc gặp nhiều khó khăn trong tổ chức thi hành, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; cơ sở vật chất, kinh phí của cơ quan THADS hai cấp còn khó khăn ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả trong công tác thực hiện.
Để nâng cao hiệu quả công tác THADS, theo dõi THAHC trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Các sở, ban, ngành tỉnh
Tiếp tục tuyên truyền và tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản quy định của Đảng, Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thi hành án dân sự, hành chính nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức và Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, bảo đảm các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, hành chính được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Sở Tài chính thực hiện và hướng dẫn cơ quan tài chính cấp huyện, tăng cường phối hợp tiếp nhận xử lý vật chứng, tài sản tịch thu sung công quỹ nhà nước và tham gia tiêu huỷ vật chứng, tài sản theo quy định tại Điều 124 và Điều 125 Luật Thi hành án dân sự.
Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh cấp huyện thực hiện tốt công tác phối hợp cung cấp thông tin, đo vẽ, lập sơ đồ hiện trạng, xác định vị trí đất theo quy định tại Quy chế phối hợp số 884/QCPH/CTHADS-STNMT ngày 19/8/2019.
Sở Tư pháp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Thi hành án dân sự, Thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu và chỉ đạo các tổ chức bán đấu giá thực hiện đúng quy định pháp luật về bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự.
2. Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
Tiếp tục thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự. Thực hiện tốt Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự giữa Cục Thi hành án dân sự tỉnh với Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh.
Đề nghị Công an tỉnh tăng cường chỉ đạo kịp thời xác minh, truy tìm, áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản của bị can và đối tượng có liên quan trong các vụ án hình sự; chuyển giao, quản lý vật chứng và các tài liệu liên quan theo quy định; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự tổ chức bảo vệ an ninh, trật tự, bảo đảm cưỡng chế thi hành án an toàn, hiệu quả; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi cản trở, chống đối việc thi hành án, phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện quy định Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT/BTP-BCA-BTC ngày 06/12/2013 về hướng dẫn trình tự, thủ tục thu, nộp, quản lý tiền, giấy tờ của người phải thi hành án dân sự và trả tiền, giấy tờ cho người được thi hành án dân sự là phạm nhân.
Đề nghị Tòa án nhân dân các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan Thi hành án dân sự trong việc giao bản án, quyết định (khi chuyển giao bản án, quyết định kèm theo các lệnh kê biên, biên bản kê biên của cơ quan cảnh sát điều tra theo nội dung bản án tuyên), giải thích các bản án tuyên chưa rõ khó thi hành để có cơ sở tổ chức thi hành nhanh chóng, đúng pháp luật. Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp kịp thời xem xét các hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự cho người phải thi hành án do cơ quan Thi hành án dân sự lập hồ sơ đề nghị theo quy định tại Điều 62 Luật Thi hành án dân sự.
Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân các cấp thực hiện tốt công tác kiểm sát thi hành án dân sự, phát hiện kịp thời những hạn chế, thiếu sót để có kiến nghị, kháng nghị yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự sửa chữa, khắc phục hạn chế, thiếu sót theo đúng quy định của pháp luật. Phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự, Tòa án nhân dân cùng cấp xem xét hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự cho người phải thi hành án theo quy định.
3. Cục Thi hành án dân sự
Nâng cao kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, công khai minh bạch việc thực hiện các quy định về xác minh điều kiện thi hành án, bảo đảm xác minh, phân loại chính xác, đúng pháp luật vụ việc có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành; giảm số lượng vụ việc chuyển kỳ sau, tăng tỷ lệ thi hành án tín dụng ngân hàng; tập trung chỉ đạo cơ quan thi hành án hai cấp phát huy vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo THADS; chủ động phối hợp, đẩy nhanh tiến độ tổ chức thi hành án, nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành án nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng, án giá trị thi hành lớn, án khó khăn phức tạp có nhiều đơn thư và dư luận xã hội quan tâm.
Đề ra giải pháp, tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án; tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự chỉ đạo việc phối hợp tổ chức cưỡng chế thi hành án, giao tài sản cho người mua trúng đấu giá.
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện nghiêm túc các quy định về thẩm định giá và bán đấu giá tài sản kê biên, thông báo công khai, minh bạch thông tin về hoạt động đấu giá tài sản kê biên.
Thực hiện tốt các quy định quản lý nhà nước về thi hành án hành chính; thi hành nghiêm túc các quy định về theo dõi thi hành án hành chính, công khai thông tin về việc không chấp hành án và đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức không chấp hành; tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính tại địa phương.
Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài, đồng thời hạn chế phát sinh những vụ việc mới.
Kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan Thi hành án dân sự. Tiếp tục quán triệt, nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động thi hành án dân sự. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ công chức thi hành án dân sự.
Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cơ chế một cửa; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thi hành án dân sự.
4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh tỉnh Tây Ninh
Thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong công tác thi hành án dân sự giữa Cục Thi hành án dân sự tỉnh với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Tây Ninh.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng, Ngân hàng trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về tài khoản, tài sản của người phải thi hành án và thực hiện phong tỏa tài khoản, khấu trừ tiền trong tài khoản theo quy định để thi hành án theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên; cử người phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự tham gia xử lý tài sản thế chấp.
5. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tăng cường công tác giám sát, phản biện đối với công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, đoàn viên, hội viên tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.
6. Chủ tịch UBND và Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các huyện, thị xã, thành phố
Tham mưu cho cấp ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo về công tác thi hành án dân sự tại địa phương; phối hợp Cục THADS trong công tác quản lý, kiện toàn bộ máy tổ chức.
Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn thực hiện tốt việc phối hợp trong công tác thi hành án dân sự, hành chính và cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu và điều kiện tài sản liên quan đến người phải thi hành án khi có yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên. Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở nhằm hạn chế các tranh chấp phát sinh phải chuyển đến Tòa án giải quyết. Tuyên truyền, vận động, thuyết phục người phải thi hành án trên địa bàn để họ nâng cao nhận thức và tự nguyện thi hành án.
Chỉ đạo các ban, ngành ở địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh nhằm tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan Thi hành án dân sự hoạt động có hiệu quả.
Chỉ đạo phối hợp tổ chức việc cưỡng chế thi hành các vụ án phức tạp có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương đúng quy định theo đề nghị của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thị xã, thành phố.
Quan tâm hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, hoạt động nghiệp vụ thi hành án.
7. Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh
Phát huy vai trò của cơ quan thông tin đại chúng trong việc thông tin, tuyên truyền bảo đảm chính xác, kịp thời, góp phần định hướng dư luận xã hội và hỗ trợ công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.