Các em học sinh bị khuyết tật tại lớp học Nhân ái.
Mới đây, Ban công tác người khuyết tật tỉnh do ông Nguyễn Văn Quá- Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Sở LĐ-TB&XH) làm trưởng đoàn đã đến giám sát tình hình thực hiện Luật Người khuyết tật trên địa bàn thành phố Tây Ninh. Buổi làm việc có đại diện các ngành Giáo dục, Y tế, LĐ-TB&XH… tham dự. Theo đánh giá của trưởng đoàn giám sát, qua gần 7 năm triển khai Luật Người khuyết tật trên địa bàn, Thành phố đã có những nỗ lực thực hiện chính sách hỗ trợ người khuyết tật đáng hoan nghênh. Đồng thời, đoàn cũng ghi nhận những khó khăn mà địa phương phản ánh để tìm hướng giải quyết.
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố Tây Ninh có 1.340 đối tượng được cấp giấy xác nhận khuyết tật và 100% trong số họ đã được cấp bảo hiểm y tế, hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Nhiều người khuyết tật được phục hồi chức năng, lắp tay chân giả, khám, chữa bệnh miễn phí.
Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, hiện toàn Thành phố có 24 học sinh khuyết tật theo học tại các trường từ mẫu giáo đến THCS. Các em được hưởng các chế độ ưu tiên, giáo viên dạy các em cũng được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định.
Trong lĩnh vực y tế, Thành phố được sự quan tâm hỗ trợ từ Sở LĐ-TB&XH, Sở Y tế, Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH) trong công tác đào tạo nhân lực chuyên phục hồi chức năng. Hiện toàn Thành phố có 16 cán bộ y, bác sĩ được đào tạo chuyên về phục hồi chức năng (có 11 cán bộ cho tuyến xã, phường); các trạm y tế xã, phường đều có cán bộ chuyên môn phục hồi chức năng.
Tại Trung tâm Y tế Thành phố hiện có 1 bác sĩ và 4 kỹ thuật viên cho lĩnh vực này. Sắp tới, Trung tâm sẽ thành lập khoa phục hồi chức năng để thuận tiện việc trị liệu cho người khuyết tật. Toàn Thành phố hiện có 4/10 UBND phường, xã có công trình tiếp cận cho người khuyết tật, nhiều cơ quan Nhà nước trên địa bàn cũng có lối đi riêng cho đối tượng này. Hai năm qua, những công trình công cộng trên địa bàn khi xây dựng đều có công trình tiếp cận cho người khuyết tật.
Trong thực tế, công tác hỗ trợ, giúp người khuyết tật hoà nhập cộng đồng vẫn còn có những khó khăn. Riêng ở lĩnh vực y tế, cơ sở vật chất vẫn chưa đủ sức phục vụ nhu cầu của người khuyết tật khi họ tìm đến. Trạm y tế các xã chưa có lối đi, công trình vệ sinh riêng cho người khuyết tật. Nhân lực làm công tác phục hồi chức năng cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Việc lập hồ sơ theo dõi, quản lý chăm sóc sức khoẻ cho người khuyết tật tuyến phường, xã còn ít. Điều này được xác định do đa phần người khuyết tật chỉ tự mua thuốc, khám bệnh bên ngoài hoặc tự tập luyện tại cộng đồng mà không đến trạm y tế.
Theo ý kiến của đại diện ngành Giáo dục, còn có một khó khăn khác là trẻ em bị khuyết tật vận động còn có thể nhìn thấy, nhưng trẻ bị tự kỷ, chậm phát triển rất khó xác định. Và việc vận động gia đình các em đi xác nhận mức độ khuyết tật là rất khó, do các bậc phụ huynh có tâm lý mặc cảm, không muốn chấp nhận sự thật. Đây là việc mà xã hội cần quan tâm, vận động thực hiện để trẻ em hưởng được quyền lợi.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh- Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban công tác người khuyết tật Thành phố thừa nhận, trong xã hội hiện nay, trẻ bị tự kỷ, chậm phát triển, tăng động ngày càng nhiều. Hiện trên địa bàn Thành phố chỉ mới có một lớp học dành cho nhóm trẻ thuộc đối tượng này nhưng số lượng tiếp nhận còn khá ít (chưa đến 30 em) do hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực.
Đó là lớp học Nhân ái tại khu phố 1, phường 3, phần đông trẻ theo học tại đây đều bị tự kỷ, chậm phát triển. Thời gian qua, Thành phố cũng đã vận động hỗ trợ phương tiện học tập cho lớp: máy vi tính, máy may… Nhưng theo bà Oanh, lớp học này hiện vẫn cần sự quan tâm của các cấp, các ngành để có thể đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu của xã hội.
Theo Báo Tây Ninh Online