Một trong những tuyến đường có cảnh quan đẹp ở thành phố Tây Ninh.
Xây dựng và phát triển đô thị văn minh theo hướng hiện đại là xu thế tất yếu của sự phát triển. Sau 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội, an ninh, quốc phòng; góp phần quan trọng vào sự phát triển chung, là sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của các đô thị.
Đến với các đô thị hôm nay của chúng ta, đâu đâu cũng có các khu công nghiệp, trung tâm thương mại, các khu đô thị mới mọc lên từng ngày. Sự phát triển đô thị đã mang lại cho người dân chất lượng cuộc sống tốt hơn, dịch vụ xã hội được đáp ứng đầy đủ hơn.
Kinh tế đô thị phát triển cũng góp phần tăng thu nhập quốc dân và tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Đời sống văn hoá tinh thần của công dân đô thị ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển của đô thị là các vấn đề nổi cộm đang xảy ra hằng ngày như: quản lý quy hoạch đô thị, xây dựng công dân đô thị văn minh... rất cần được các ngành, các cấp quan tâm.
Từ thực trạng của các đô thị Việt Nam nói chung, đô thị thành phố Tây Ninh nói riêng hiện đang tồn tại một số vấn đề có ảnh hưởng rất lớn đến văn minh đô thị, cần quan tâm giải quyết. Đó là tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, khu vực công cộng để sản xuất, kinh doanh; tình trạng vứt rác thải tuỳ tiện nơi công cộng; tình trạng vi phạm Luật Giao thông; quảng cáo rao vặt tuỳ tiện đã và đang diễn ra hằng ngày gây ảnh hưởng rất lớn đến diện mạo đô thị.
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này cơ bản là do ý thức con người. Công dân đô thị phần lớn xuất phát từ nông dân, chưa thoát khỏi tư duy tiểu nông, chưa sẵn sàng với cơ chế đô thị. Bên cạnh đó là việc quan tâm giải quyết các vấn đề đô thị của chính quyền chưa thực sự quyết liệt và hiệu quả, cùng với quyền lực được giao của chính quyền đô thị trong công tác quản lý còn nhiều hạn chế.
Nhận thức rõ được yêu cầu giải quyết các vấn đề đô thị nói trên, Đảng bộ, chính quyền thành phố Tây Ninh đã triển khai thực hiện các giải pháp về quy hoạch, quản lý quy hoạch; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh phát động các phong trào thi đua xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Trong đó quan tâm xây dựng văn hoá của công dân đô thị bằng nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể.
Đến nay, Thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông; xây dựng các công trình giao thông kết nối Thành phố với các huyện trong tỉnh, các đường chính nội thành, hẻm nội thành, đường giao thông ngoại thành; các công trình chỉnh trang đô thị, xây dựng xã nông thôn mới; công trình phục vụ sinh hoạt, du lịch...
Các cấp uỷ, tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị và địa phương đã chủ động xây dựng chương trình hành động, đề án thực hiện Nghị quyết của Thành uỷ về xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị trên địa bàn Thành phố.
Nhiều mô hình, cách làm hay được triển khai như: Phong trào “Giữ gìn lòng rạch Tây Ninh sạch, đẹp”, xây dựng “Khu phố văn minh”, “Tuyến phố xanh - sạch - đẹp”...
Từ đó đã huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân hưởng ứng tham gia, góp phần nâng cao nhận thức của công dân trong việc xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị, hạn chế tình trạng xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường, giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng, công sở và khu dân cư; bộ mặt đô thị ngày càng khang trang.
Kết quả là thành phố Tây Ninh được thành lập sớm hơn 2 năm so với Nghị quyết của Tỉnh uỷ, được công nhận là đô thị loại III vào năm 2012; lĩnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục có nhiều tiến bộ, thực hiện tốt an sinh xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của người dân tiếp tục được nâng lên…
Nhằm thực hiện thắng lợi Chương trình phát triển đô thị tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến năm 2030, đồng thời phấn đấu đến năm 2020 thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng thành phố Tây Ninh đạt 75% chỉ tiêu của đô thị loại II, từ thực tiễn xây dựng và phát triển đô thị Thành phố, Đảng bộ Thành phố đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo xây dựng công dân đô thị văn minh gắn với phát triển đô thị theo hướng hiện đại trong thời gian tới.
Cụ thể như: Cần phải có sự quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng trong việc đề ra các định hướng, chủ trương làm kim chỉ nam dẫn đường cho cả hệ thống chính trị thực hiện hoạch định chính sách, kế hoạch triển khai, cụ thể hoá các chủ trương;
Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và nhân dân chung tay, góp sức xây dựng đô thị hình thành nếp sống văn hoá, văn minh cho công dân đô thị; Tăng cường thực thi pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý đô thị; Có giải pháp khả thi về thực hiện quy hoạch và quản lý theo quy hoạch đô thị; Có giải pháp về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông giai đoạn 2015-2020…
Theo BTNO