Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri Tây Ninh trước Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Thứ sáu - 02/10/2020 14:00 76 0
Sáng ngày 02/10, các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh là đồng chí Nguyễn Mạnh Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, thiếu tướng Hoàng Đình Chung - Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7; đồng chí Huỳnh Thanh Phương - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh và đồng chí Trịnh Ngọc Phương - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư có buổi tiếp xúc với 180 cử tri tiêu biểu đại diện lãnh đạo, công chức, viên chức các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang tỉnh; đại diện các dân tộc tôn giáo và doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh trước Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Các đại biểu quốc hội tham dự buổi tiếp xúc

Tại buổi tiếp xúc, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương thông tin, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào sáng ngày 20/10/2020 và dự kiến bế mạc ngày 17/11/2020. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt.  Đợt 1 họp trực tuyến từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20/10 đến ngày 27/10/2020). Đợt 2 họp tập trung tại Nhà Quốc hội, từ ngày 02/11 đến ngày 17/11/2020.


Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương thông đến thời gian, nội dung của kỳ họp thứ 10

Kỳ họp sẽ xem xét thông qua 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết (Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc) và cho ý kiến 6 dự án luật khác. Quốc hội còn dành thời gian xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, quyết định ngày bầu cử đại biểu quốc hội, đại biểu HĐND các cấp và thực hiện công tác nhân sự.


Cử tri phát biểu ý kiến

Tiếp đó, các cử tri bày tỏ ý kiến với các đại biểu Quốc hội. Cử tri đại diện ngành Thanh tra tỉnh nêu vấn đề về lĩnh vực phòng chống tham nhũng, mà cụ thể là việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra tham nhũng. Dù nội dung này đã được quy định cụ thể trong Nghị định 59/2019/NĐ-CP, ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, nêu rõ hình thức xử lý tùy theo mức độ nghiêm trọng của án tham nhũng. Trong quá trình thực hiện cho thấy có bất cập, như một số án tham nhũng, bị cáo được giảm án do một số tình tiết giảm nhẹ, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc giảm trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan đó. Đó là bất cập cần được xem xét. Hay việc hai cơ quan cùng xảy ra án tham nhũng nhưng tính chất, mức độ khác nhau lại bị xử lý giống nhau cũng là bất hợp lý.

Trong thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng, chống tham nhũng, thủ trưởng cơ quan chưa bám sát, nắm rõ thời gian công tác để thực hiện luân chuyển đối với cán bộ, công chức do mình quản lý, dẫn đến tình trạng quá thời gian mà chưa thực hiện chuyển đổi. Cử tri đề xuất nên giao quyền này cho Sở Nội vụ cấp tỉnh theo dõi, thống kê, kiểm tra niên hạn để ra thông báo thực hiện việc chuyển đổi này. Cử tri còn đề cập đến chế độ giao quyền quản lý, chưa có quy định cụ thể nào về giao quyền quản lý, dẫn đến việc một số cơ quan lạm dụng việc giao quyền này, giao quyền nhiều năm mà không bổ nhiệm chính thức, hình thành lợi ích nhóm.

Cử tri phản ánh, trong quá trình xây dựng luật, có xảy ra việc đưa lợi ích của ngành, cơ quan soạn thảo về nội dung các văn bản luật dẫn đến tình trạng sai lệch nội dung giữa cơ quan này với cơ quan khác, từ đó, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Theo cử tri, việc cấp giấy phép lái xe hiện giờ là do ngành Giao thông - Vận tải thực hiện, lại có đề xuất chuyển qua ngành Công an thực hiện. Do đó, cử tri đề nghị Quốc hội cần nhắc kỹ việc chuyển đổi này, sao cho không gây phiều phức cho người dân, không gây lãng phí trong quá trình thực hiện. Việc tách, nhập các cơ quan hiện nay thực hiện còn duy ý chí, chưa đánh giá chính xác hiệu quả từ việc tách, nhập này có lợi gì cho dân. Hiện nay, quá trình thực hiện cải cách thủ tục hành chính cho thấy có sự chậm lại, tốc độ giảm, có dấu hiệu biến tướng sang dạng khác, cử tri đề nghị cần cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ và ổn định hơn nữa.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến ghi nhận ý kiến của cử tri

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến tiếp thu, ghi nhận các ý kiến của cử tri Tây Ninh và sẽ tổng hợp, chuyển tải đến kỳ họp tới đây. Đồng thời, đại biểu còn trao đổi thêm, việc giao cho ngành giao thông hay ngành công an cấp giấy phép lái xe sẽ được bỏ phiếu theo hướng có lợi cho dân, đặt lợi ích của người dân là trên hết. Tới đây, Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện cải cách hành chính. Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến cũng chia sẻ về kết quả thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua.

Nhã Khôi

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây