Đoàn kiểm tra công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực vật liệu xây dựng Bộ Xây dựng làm việc tại Tây Ninh

Thứ sáu - 13/09/2019 20:00 101 0
Chiều ngày 13/9, Đoàn kiểm tra công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực vật liệu xây dựng Bộ Xây dựng do đồng chí Hoàng Hữu Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh về tình hình thực hiện và chấp hành pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Trước đó, đoàn đã có hơn hai ngày thực hiện khảo sát, kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2018.

tiepdoanBXD.jpg

Quang cảnh buổi làm việc

Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, thời gian qua, UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo, giao các cơ quan chức năng lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh và quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng làm cơ sở pháp lý để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực VLXD.

Trên địa bàn tỉnh có 1 dự án sản xuất xi măng, công suất thiết kế giai đoạn 1 là 1,5 triệu tấn xi măng/năm; không có nhà máy sản xuất vôi công nghiệp. Gạch đất sét nung có tổng công suất thiết kế là 1.131,3 triệu viên/năm. Hiện tại, tỉnh Tây Ninh có 4 cơ sở sản xuất gạch không nung đang hoạt động và 3 cơ sở đang trong quá trình đầu tư xây dựng với 2 chủng loại chính là gạch xi măng cốt liệu và gạch bê tông khí không chưng áp. Đất san lấp gồm 83 cơ sở. Tỉnh cũng đã cấp 19 giấy phép khai thác cát. Các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% trên địa bàn tỉnh đều có sử dụng vật liệu xây không nung.

Việc thanh tra, kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật liệu xây không nung trong công trình xây dựng được Sở Xây dựng thực hiện thường xuyên khi kiểm tra công tác nghiệm thu các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, hàng năm Sở Xây dựng đều có ban hành Kế hoạch kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD sử dụng trong công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Tây Ninh đã dừng kêu gọi đầu tư mới, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh và khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất vật liệu xây không nung.

Tuy nhiên, khi thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung theo Quyết định số 567/QĐ-TTg, tiến đến thay thế gạch đất sét nung, cần có bước đột phá trong sản xuất, tiêu thụ và công tác quản lý nhà nước đối với sản phẩm vật liệu xây không nung. Trong khi, nhu cầu sử dụng gạch xây nung trong tỉnh không lớn, thị hiếu của người dân chưa quen sử dụng gạch xây không nung. Ngoài ra, nếu xét về phương diện kinh tế thì chi phí xây dựng công trình sử dụng gạch không nung cao hơn sử dụng gạch nung. Đó là trở ngại chính trong quá trình thực hiện chủ trương sử dụng gạch không nung thay thế và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn gạch nung.

Tỉnh cũng kiến nghị Bộ Xây dựng tham mưu Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp và người lao động khi thực hiện xóa bỏ các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung, chuyển đổi công nghệ hoặc chuyển sang đầu tư gạch không nung; Hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản xuất và sử dụng cát nghiền trong các công trình xây dựng.

tiepdoanBXD1.jpg

Đồng chí Hoàng Hữu Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng góp ý với tỉnh

Đoàn công tác cũng góp nhiều ý kiến về công tác quản lý nhà nước của huyện, tỉnh trong thời gian qua, ghi nhận những kiến nghị của tỉnh và sẽ tổng hợp sau đợt công tác báo cáo Bộ Xây dựng để có hướng giải quyết trong thời gian tới.

tiepdoanBXD2.jpg

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng tiếp thu ý kiên đóng góp của đoàn công tác

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng khẳng định thời gian qua, lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh rất quan tâm đến công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản, làm sao để quản lý tốt, khai thác có hiệu quả tài nguyên khoáng sản, thậm chí tỉnh đã cho tạm ngưng việc khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng để chấn chỉnh tình trạng này; buộc quá trình khai thác của doanh nghiệp phải có trạm cân, camera, thiết bị để giám sát. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu những ý kiến đóng góp của đoàn, sẽ chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa công tác này trong thời gian tới.

XV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây