Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các sự kiện hội nhập quốc tế

Thứ tư - 09/08/2017 15:00 137 0
(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1117/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các sự kiện hội nhập quốc tế nổi bật giai đoạn 2017 – 2020.

hoi-nhap_copy.jpg

Ảnh minh họa.

Từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế như đăng cai Năm APEC 2017, đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, ứng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, hoàn tất các cam kết quốc tế lớn, trong đó có các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2018; Ký kết, phê chuẩn và triển khai nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, với mức độ cam kết sâu rộng hơn.

Đặc biệt các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức về yêu cầu hội nhập quốc tế, các cơ hội và thách thức, nhiệm vụ trọng yếu khi tham gia các FTA thế hệ mới trong từng ngành, từng lĩnh vực để tạo sự thống nhất về nhận thức, tạo sức mạnh tổng hợp trong quá trình hội nhập. Việc tăng cường công tác thông tin tuyên truyền sẽ góp phần vào việc nâng cao hiểu biết và sự đồng thuận của cả xã hội, đặc biệt là của doanh nghiệp, doanh nhân đối với các thỏa thuận quốc tế, đặc biệt là cơ hội, thách thức và những yêu cầu phải đáp ứng khi tham gia và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Đây cũng là nhiệm vụ cần được nghiêm túc triển khai theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Trung ương về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Thể hiện hình ảnh một Việt Nam đổi mới năng động, giàu tiềm năng

Về nội dung tuyên truyền cụ thể, với diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), thông điệp bao trùm của Năm APEC Việt Nam 2017 “thể hiện hình ảnh một Việt Nam đổi mới năng động, giàu tiềm năng, đóng góp tích cực và tạo động lực mới cho tăng trưởng và liên kết của khu vực, con người Việt Nam hiếu khách, thuận hòa, giàu tình nghĩa”. Các thông điệp nhỏ có thể được xây dựng phù hợp với từng nhóm đối tượng truyền thông và từng thời kỳ cụ thể trong khoảng thời gian từ 2017 - 2020.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Cộng đồng ASEAN với các mốc kỷ niệm lớn: Kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và 22 năm Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 2017; 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN và Năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, trong đó tiếp tục nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về Cộng đồng ASEAN và sự tham gia của Việt Nam, các thách thức, cơ hội, lợi ích mà Cộng đồng ASEAN mang lại, khuyến khích các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp cho quá trình xây dựng Cộng đồng.

Chú trọng tuyên truyền về kết quả triển khai các ưu tiên của Cộng đồng ASEAN trong năm 2017, các năm tiếp theo và sự tham gia của Việt Nam, bao gồm triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể trên cả ba trụ cột Cộng đồng, Chương trình Nghị sự kết nối ASEAN 2025 và Kế hoạch Công tác Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) giai đoạn III về thu hẹp khoảng cách phát triển, tình hình hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và thế mạnh.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) tới các doanh nghiệp và người dân. Cụ thể, tập trung giới thiệu các nội dung liên quan đến lợi ích doanh nghiệp và người dân được hưởng khi tham gia vào Cộng đồng chung ASEAN; tuyên truyền về các cam kết, biện pháp đã có về tự do hóa thương mại, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề.

Tuyên truyền những quyền lợi, thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp

Với các Hiệp định thương mại tự do, tuyên truyền các nội dung cụ thể về nghĩa vụ và xu hướng quản lý, xu hướng thị trường thể hiện tại các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết (cụ thể là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (FTA Việt Nam – EU), Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu).

Bên cạnh đó, tuyên truyền những quyền lợi và thách thức đặt ra cho Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam; những biện pháp doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện để nắm bắt các lợi ích và cơ hội các FTA mang lại; những nghĩa vụ của Việt Nam theo các cam kết quốc tế được quy định trong các FTA, trong đó có các nội dung về thuế, hải quan và thuận lợi hóa thương mại.

Làm rõ với từng nhóm đối tượng về những nguy cơ, rủi ro khi tham gia các FTA và phương hướng, giải pháp cụ thể để phòng tránh; bài học kinh nghiệm của các nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Tuyên truyền về sự tham gia chủ động và tích cực của Việt Nam tại Liên hợp quốc với vai trò là thành viên của các tổ chức của Liên hợp quốc như Hội đồng Kinh tế - Xã hội nhiệm kỳ 2016 - 2018, Hội đồng chấp hành Tổ chức Khoa học - Giáo dục - Văn hóa nhiệm kỳ 2015 - 2019; về việc Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, qua đó nâng cao hình ảnh, phát huy vị thế của Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong Cộng đồng quốc tế.

Hình thức triển khai là duy trì thông tin thường kỳ trên các phương tiện thông tin đại chúng (gồm báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử, mạng xã hội…), hệ thống thông tin cơ sở về chủ đề hội nhập.

Tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền cho phóng viên, nhà báo, đội ngũ tuyên truyền viên về hội nhập quốc tế, về các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương Việt Nam đã và chuẩn bị ký kết, về sự tham gia của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế lớn.

Xây dựng cổng thông tin, cơ sở dữ liệu, chuyên trang, chuyên mục nhằm cung cấp các thông tin, văn kiện, tài liệu thiết yếu về hội nhập quốc tế, các hiệp định thương mại tự do để các cơ quan bộ, ngành, tổ chức, các cơ quan truyền thông báo chí, các đối tượng cần nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề cụ thể về hội nhập có thể khai thác và sử dụng...


(nguồn: http://vanban.chinhphu.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây