5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI: giúp hơn 2 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo

Thứ tư - 15/07/2020 15:00 329 0
Sáng ngày 15/7, Ban Kinh tế Trung ương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chủ trì tại điểm cầu Trung ương.


Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh ủy Tây Ninh

Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, tham dự có đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Huỳnh Thanh Phương - Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, đồng chí Nguyễn Thanh Phong - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh.

Theo Ban Kinh tế Trung ương, sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, có thể khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; xây dựng nông thôn mới; đảm bảo an sinh xã hội; ổn định chính trị, an ninh quốc phòng; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước. Tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện được tăng cường. Quy mô tăng trưởng tín dụng không ngừng được mở rộng, số lượt người được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi ngày một nhiều, chất lượng tín dụng được nâng cao. Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, đặc biệt là những vùng nông thôn, là một công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đến với những đối tượng dễ bị tổn thương; là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Đồng chí Dương Quyết Thắng - Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam cho biết, tính đến ngày 30/6/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 219.565 tỷ đồng, tăng 90.109 tỷ đồng so với từ khi có Chỉ thị. Tổng số tiển đã giải ngân đạt 336.944 tỷ đồng cho hơn 12 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước. Trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, xã xây dựng nông thôn mới…góp phần giúp hơn 2,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 1,3 triệu lao động; hơn 24 ngàn lao động thuộc hộ gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; gần 346 ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Hơn 7.3 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 142 ngàn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách được xây dựng…

Riêng với Tây Ninh, sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW đã làm thay đổi sâu sắc nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Qua 5 năm, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng chính sách xã hội là 130,267 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương đến cuối tháng 5/2019 là 174,816 tỷ đồng. Trong đó, thành phố Tây Ninh, huyện Hòa Thành, huyện Tân Châu là những địa phương có nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng chính sách xã hội lớn hơn bình quân chung của cả tỉnh (1,839 tỷ đồng). Tổng doanh số cho vay trong giai đoạn 2014-2019 là hơn 3.111 tỷ đồng, có 166.896 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, giúp 17.371 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 11.057 hộ có con là học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 15.146 lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; hơn 166.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng.

Hội nghị được nghe các tham luận, phát biểu của Ban Kinh tế Trung ương, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam; lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, các tỉnh Đồng Tháp, Quảng Nam, Quảng Trị… về những hiệu quả từ tín dụng chính sách xã hội đối với việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế gia đình, góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội ở các tỉnh, thành.


Các tập thể, cá nhân được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ


Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Ngọc trao bằng khen và chúc mừng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng

Tại hội nghị, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tây Ninh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng - Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tặng bằng khen.


Đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh đến ý nghĩa thiết thực của kết quả thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW thời gian qua và khẳng định “Chính sách tín dụng xã hội đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, trở thành một hình mẫu về giảm nghèo trên thế giới”.

Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW trong thời gian tới, đồng chí Trần Quốc Vượng đề nghị cần tập trung làm tốt hơn nữa công tác tín dụng chính sách xã hội để hỗ trợ ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội. “Muốn vậy cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp, sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và của toàn xã hội… Thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW cũng là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả để góp phần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận tổ quốc và đoàn thể chính trị-xã hội các cấp”- đồng chí Trần Quốc Vượng nói.

Bên cạnh đó, đồng chí Trần Quốc Vượng còn yêu cầu cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên tuyền về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo, các đối tượng chính sách. Mặt trận tổ quốc các cấp cần mở rộng cuộc vận động “Vì người nghèo” để huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, của doanh nghiệp để bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội. Cán bộ chính sách xã hội phải gần dân sát dân, biết được yêu cầu của dân để phục vụ.

Cấp ủy, chính quyền các cấp cũng cần quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo để ngân hàng chính sách xã hội hoàn thành ngày càng tốt hơn chức năng nhiệm vụ, sử dụng hiệu quả nguồn vốn được giao, được ủy thác, không được để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội; đồng thời, tích cực góp phần ngăn chặn đẩy lùi “tín dụng đen”, bảo đảm thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Chính Thuần

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây