Quang cảnh buổi làm việc
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Bộ trưởng, có đồng chí Phạm Viết Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí nguyễn Thành Tâm - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Phạm Văn Tân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng trình bày báo cáo
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng báo cáo với đoàn tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm, cho thấy, tỉnh Tây Ninh đã khẩn trương triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp kiên quyết không để xảy ra tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ; kịp thời triển khai và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương và các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đề ra trong cả năm 2020.
Về hoạt động ngành Thông tin và Truyền thông trên địa bàn tỉnh có nhiểu khởi sắc. Mạng bưu chính chuyển phát phát triển mạnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính. Doanh thu bưu chính năm 2019 trên 116 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2020 đạt trên 48 tỷ đồng. Mạng viễn thông phát triển mạnh rộng khắp đến vùng sâu, vùng xa trên địa bàn. Hiện, tỉnh có 6 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông. Doanh thu viễn thông năm 2019 đạt 1.756 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2020 đạt 870 tỷ đồng.
Trong năm 2019, tỉnh đã chỉ đạo cho Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông và các đơn vị có liên quan thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo và ngầm hóa cáp viễn thông trên tuyến đường 30/4 với chiều dài tuyến ngầm là khoảng 5,366 km. Ngoài ra, tại các huyện, thị xã, thành phố Tây Ninh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cống, bể để sử dụng ngầm hóa cáp viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông là khoảng 270 km.
UBND tỉnh đang xem xét phê duyệt Đề án xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó có lồng ghép các nội dung theo "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" ban hành theo Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. UBND tỉnh vừa tổ chức khai trương Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) của tỉnh. Hoạt động thông tin, báo chí trên địa bàn tỉnh luôn theo đúng định hướng của Tỉnh ủy và chỉ đạo của UBND tỉnh trong công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền các sự kiện văn hóa xã hội lớn, kịp thời đưa các thông tin chính xác, phản ánh đầy đủ tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh, phản ánh các quan điểm, công tác chỉ đạo điều hành của các cấp lãnh đạo, đồng thời đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh, con người, đặc điểm địa lý, lịch sử của Tây Ninh nhằm thu hút đầu tư và du lịch.
Lãnh đạo UBND tỉnh cũng kiến nghị với Đoàn, trong việc chuyển đổi số, mong Bộ có hướng dẫn hỗ trợ tỉnh về xây dựng chính sách phát triển doanh nghiệp số; mô hình và cách thức thực hiện thí điểm chuyển đổi số cho đơn vị cấp xã. Cách thức xác định, tiêu chí đánh giá mức độ sẵn sàng của các ngành để ưu tiên chuyển đổi số trước. Về đô thị thông minh, Bộ hỗ trợ tỉnh trong việc triển khai đánh giá các địa phương cấp huyện theo các chỉ số đô thị thông minh, qua đó lựa chọn địa phương có mức độ sẵn sàng cao để thí điểm xây dựng đô thị thông minh…
Đồng chí Trần Minh Tuấn nêu một số định hướng phát triển ngành thông tin và truyền thông tỉnh Tây Ninh đến năm 2025
Hội nghị được nghe đồng chí Trần Minh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu một số định hướng phát triển ngành thông tin và truyền thông tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 theo hướng thông minh hóa mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu và phát triển bền vững, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Tây Ninh trong thực hiện xây dựng chính quyền điện tử và đề nghị, tỉnh ủy cần có nghị quyết chuyên đề về công nghệ thông tin, trong đó có hạ tầng bưu chính viễn thông thế hệ mới, chính phủ điện tử, đô thị thông minh, chính quyền số, kinh tế số, an toàn an ninh mạng, phát triển doanh nghiệp công nghệ số, nhất là vai trò của báo chí, truyền thông trong chuyển đổi số. Bộ trưởng đề nghị sau khi Tỉnh ủy ban hành nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số, UBND tỉnh cần ban hành chương trình hành động ngay trong quý 3 làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh Bộ sẽ luôn đồng hành cùng tỉnh trong triển khai chính quyền số
Bộ trưởng đề nghị tỉnh cần thực hiện ngay chính quyền số, thay vì đi từ chính quyền điện từ, để tạo ra dịch vụ mới cho người dân một cách nhanh chóng thuận lợi, giải quyết tất cả các bài toán của chính quyền điện tử nhưng với chi phí thấp hơn và thực hiện nhanh hơn. Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ tỉnh trong việc triển khai chính quyền số, mong muốn thực hiện đi từ cấp xã, cấp huyện. Bởi theo Bộ trưởng, những vùng này khó khăn, sẽ ứng dụng công nghệ mới hiệu quả nhất. Với việc chọn Tây Ninh thực hiện thí điểm, Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ tỉnh 200 bộ loa xã (trị giá khoảng 4 tỷ đồng) bằng công nghệ mới dùng trên mạng di động, sẽ phủ kín được khoảng 40 xã trên địa bàn biên giới của tỉnh và sẽ trang bị ít nhất mỗi xã có được bộ xoa công nghệ mới.
Bộ trưởng cũng đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm hơn đến việc thực hiện công nghệ số, phát triển hạ tầng số, hạ tầng bưu chính viễn thông để tạo sự bức phá hơn ở lĩnh vực này trong thời gian tới và gợi ý, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh nên chọn đột phá về khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thay đổi mô hình quản trị kinh doanh, dùng báo chí truyền thông để khơi dậy khát vọng hùng cường, thịnh vượng tạo nên sức mạnh tinh thần về sự quyết thắng, vươn lên, vì theo Bộ trưởng “đầu tư cho công nghệ thông tin, cho báo chí truyền thông không lớn nhưng sẽ mang lại giá trị rất lớn”.
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng
Trước sự quan tâm của Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh bày tỏ sự cảm ơn, ghi nhận ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, nhất là những chỉ đạo tâm huyết về chuyển đổi số. Bí thư Tỉnh ủy cho biết, tỉnh sẽ có kế hoạch cụ thể hóa việc chuyển đổi số trên từng lĩnh vực theo gợi ý của Bộ trưởng và bắt tay thực hiện ngay việc xây dựng Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và truyền thông và tỉnh Tây Ninh ký kết biên bản
Tại hội nghị, lãnh đạo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh cùng ký kết Biên bản ghi nhớ giữa trong lĩnh vực thông tin và thông tin, giai đoạn 2020-2021.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao bảng tượng trưng cho lãnh đạo UBND tỉnh
Nhân dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông trao tặng tỉnh Tây Ninh 200 cụm truyền thanh thông minh nhằm chuyển đổi công nghệ, tăng hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền trên địa bàn.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và lãnh đạo tỉnh Tây Ninh trao quà lưu niệm
Trước đó, Đoàn công tác của Bộ trưởng đã có hoạt động về nguồn viếng Nghĩa trang Giao bưu R (đồi 82), dâng hương tại Nhà Truyền thống Căn cứ Giao Bưu vận và Ban thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam tại Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương cục miền Nam.
XV