Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống bệnh khảm lá cây mì họp tại Tây Ninh

Thứ ba - 30/10/2018 17:00 120 0
Sáng 30/10, tại hội trường tỉnh ủy Tây Ninh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống bệnh khảm lá cây mì. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, Trưởng Ban chỉ đạo trung ương chủ trì hội nghị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến cùng tham dự.

IMG_6495.JPG

Quang cảnh hội nghị

Tham dự còn có các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương, tổ chỉ đạo, lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố bị nhiễm bệnh, đại diện một số doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ mì và doanh nghiệp vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bệnh khảm lá cây mì được phát hiện đầu tiên vào tháng 5/2017, trên địa bàn xã Tân Hà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Tính đến tháng 10/2018, bệnh đã lây lan sang các vùng trồng mì của 12 tỉnh, thành phố (Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, TP.Hồ Chí Minh và Long An). Tính đến ngày 09/10/2018, diện tích nhiễm bệnh khảm lá cây mì ở 12 tỉnh nhiễm bệnh là 41.984 ha (tăng 36.132 ha so với năm 2017), trong đó, tỷ lệ gây hại hơn 70% chiếm 10.038,4 ha. Một số diện tích bị bệnh quá nặng, không có khả năng cho năng suất đã tiến hành tiêu hủy 316,2 ha. Mức độ gây hại nặng nhất là ở tỉnh Tây Ninh với khoảng 90% diện tích bị nhiễm bệnh. Hiện nay, tổng diện tích nhiễm bệnh khảm lá còn trên đồng ruộng là 19.489 ha. Nguyên nhân của dịch bệnh được xác định là do virus SLCMV chủ yếu lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống.

IMG_6521.JPG

Cây mì bị bệnh khảm lá

Riêng với tỉnh Tây Ninh, từ khi phát hiện bệnh, tính đến ngày 26/10/2018, diện tích nhiễm bệnh khảm lá cây mì trên địa bàn tỉnh là 35.064 ha, chiếm 95,3% diện tích sản xuất và tăng gấp 6 lần so với năm 2017. Việc nhiễm bệnh đã làm ảnh hưởng đến diện tích, sản lượng, năng suất của cây mì của tỉnh, gây ra hiện tượng thiếu hụt nguồn cung cho các nhà máy chế biến khoai mì.

Do đó, Tây Ninh kiến nghị đến Ban Chỉ đạo Trung ương: tăng cường công tác thông tin đến người dân; các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển trao đổi giống mì, nhất là lấy giống từ vùng nhiễm bệnh; tìm giải pháp phòng, chống đi đôi sản xuất trong vùng có dịch diện rộng không thể khống chế; nhà nước có cơ chế hỗ trợ, tổ chức sản xuất trao đổi giống sạch bệnh cho vùng dịch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển cây khoai mì thuộc nhóm cây lương thực sang nhóm cây công nghiệp để tăng mức hỗ trợ khi tiêu hủy mì bị dịch; phối hợp với phía Campuchia để công tác phòng, chống dịch thực hiện đồng bộ giữa hai nước. 

IMG_6502.JPG

Ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội ngh

Ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị cho biết: ngay sau khi phát hiệu trên địa bàn tỉnh có diện tích mì bị nhiễm, đã thành lập Ban Chỉ đạo theo chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẩn trương thực hiện công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, tính đến nay, dịch bệnh đã gây thiệt hại gần 100% diện tích cây khoai mì trên toàn tỉnh, lan sang 12 tỉnh khác. Tây Ninh rất vui mừng được phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuộc họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Trung ương để bàn biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Bởi vì, với Tây Ninh, ngành chế biến khoai mì đóng góp ngân sách khoảng 8% trong tổng thu ngân sách địa phương, phần lớn nông dân Tây Ninh trồng cây mì là chính, giúp nông dân xóa đói giảm nghèo phát triển kinh tế bền vững. Mong hội nghị sẽ đề ra những giải pháp để phòng chống dịch bệnh này.

Thực tế cho thấy, công tác phòng, chống dịch bệnh gặp một số khó khăn, như: giống HLS11 là giống nhiễm bệnh khảm lá rất nặng nhưng do thiếu hụt nguồn giống nghiêm trọng nên nông dân vẫn trồng; mùa vụ liên tục là cầu nối dịch bệnh tích lũy lan truyền; nông dân tự để giống khó kiểm soát chất lượng giống; việc mua bán, vận chuyển giống nhiễm bệnh sang các vùng khác, làm lây lan nguồn bệnh ra các tỉnh trong vùng; cây mì trồng phục vụ công nghiệp chế biến nhưng trong danh sách cây trồng thì cây mì vẫn là cây lương thực nên mức hỗ trợ thấp; giá mì cao nên khó khuyến cáo nông dân tự tiêu hủy…

Hội nghị công bố Quyết định số 4099/QĐ-BNN-TCCB, ngày 22/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống bệnh khám lá cây khoai mì với 23 thành viên. Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng Ban chỉ đạo.

Hội nghị đề ra biện pháp phòng chống, các địa phương đã phát hiện diện tích nhiễm bệnh khảm lá cần thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh các cấp để chỉ đạo quyết liệt; khẩn trương khoanh vùng, phun thuốc trừ bọ phấn trắng và tiêu hủy nguồn bệnh triệt để. Đối với những vùng bị bệnh nặng, hướng dẫn nông dân không trồng lại với các loại cây trồng là ký chủ của bọ phấn trắng (cà chua, cà tím, bầu bí, ớt…). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạm thời cho phép sử dụng những loại danh mục thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục được phép sử dụng để phòng trừ bọ phấn trắng. Giải pháp lâu dài là nghiên cứu sử dụng giống kháng bệnh.

Lãnh đạo các tỉnh, thành phố phát biểu, nhận định rõ hơn tình hình dịch bệnh, bài học kinh nghiệm từ công tác phòng chống dịch ở Tây Ninh, để đề ra biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh mình.

IMG_6491.JPG

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,  Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương phát biểu kết luận hội nghi, đề nghị các địa phương nghiêm túc thực hiện theo Chỉ thị 5957/CT-BNN-BVTV của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường công tác phòng, chống bệnh khảm lá hại mì, trong đó, địa phương nào chưa thành lập Ban chỉ đạo thì khẩn trương thành lập ngay để tăng cường sự chỉ đạo, không chủ quan, lơ là; quan tâm công tác tuyên truyền làm cho người dân nâng cao nhận thức về tác hại của dịch bệnh cùng chủ động phòng chống; phải quản lý chặt chẽ nguồn giống tránh lây bệnh, nghiêm cấm vận chuyển hom giống bị bệnh; phải xây dựng được vùng nhân giống sạch bệnh, để thực hiện được điều này cần phải có sự kết hợp các cơ quan ở bộ với địa phương, nhất là Tây Ninh, đặc biệt, cung cấp hom giống sạch cho Tây Ninh - địa phương đang thiếu hụt hom giống nghiêm trọng; áp dụng một cách nghiêm túc và triệt để quy trình phòng trừ bệnh, biện pháp canh tác. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các cơ quan thuộc Bộ thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể hỗ trợ thực hiện công tác phòng, chống bệnh ở các địa phương.

XV




Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây