Từ ngày 14 đến 17.8.2007, Ban Pháp chế – HĐND tỉnh phối hợp với các ngành chức năng, tổ chức Đoàn khảo sát công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” và việc thực hiện Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và thực hiện Nghị định số 79/2003/NĐ-CP của Chính phủ về việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở các xã Phước Chỉ, Bình Thạnh, Gia Bình, huyện Trảng Bàng.
Tại các địa phương này Đoàn ghi nhận những báo cáo kết quả về các nội dung trên: Báo cáo của UBND xã Phước Chỉ cho biết, 6 tháng đầu năm 2007, thực hiện cơ chế “một cửa”, lãnh đạo xã đã phân công cán bộ công chức trực làm việc 8 giờ/ngày, giải quyết các thủ tục cho công dân sớm nhất. Niêm yết đầy đủ các thủ tục hướng dẫn theo quy định tại phòng “một cửa” trên 20 lĩnh vực… Lãnh đạo xã đã quán triệt đến từng cán bộ công chức về các quy trình thủ tục hành chính. Do vậy thời gian qua đã giải quyết dứt điểm dạng hồ sơ hoàn thành trong ngày được gần 2.500 hồ sơ. Riêng hồ sơ lập phiếu nhận và hẹn ngày trả là hơn 260 hồ sơ (chủ yếu thuộc hai lĩnh vực Tư pháp và Địa chính)…
Việc thực hiện Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính, 6 tháng qua đã tổ chức tuyên truyền cho CBCC và toàn thể nhân dân hơn 179 cuộc, gần 6.000 lượt người tham dự. Ra 29 quyết định xử lý bằng hình thức cảnh cáo, xử phạt bằng tiền gần 70 trường hợp, nộp kho bạc số tiền gần 9,5 triệu đồng, áp dụng xử lý theo Nghị định 163 của Chính phủ đối với 18 đối tượng tái phạm, trong đó đưa đi trường giáo dưỡng 6 đối tượng, áp dụng giáo dục tại xã 12 đối tượng, đã chấp hành xong 9 đối tượng… Thực hiện việc triển khai quy chế dân chủ cơ sở được nhân dân đồng tình ủng hộ cao. Công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước… đã từng bước đến với từng hộ dân. Người dân cũng đã phát huy quyền làm chủ, mạnh dạn tham gia đóng góp bàn bạc việc xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương. Không chỉ vậy, địa phương cùng với các ngành, các cấp quan tâm xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho các đối tượng chính sách…
Tuy nhiên, bên cạnh những việc làm được, ba xã thuộc huyện Trảng Bàng, còn nêu lên những khó khăn của địa phương. Đó là do địa bàn rộng nên công tác tuyên truyền chưa được sâu rộng đến từng hộ dân cư; đội ngũ cán bộ công chức còn trẻ, chưa qua trường lớp đào tạo nên còn lúng túng trong việc tham mưu cho lãnh đạo. Cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị phục vụ chưa đáp ứng nhu cầu công việc, chế độ phụ cấp cho đội ngũ thực hiện cơ chế này chưa có. Trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, nếu đương sự không tự nguyện thì phải cưỡng chế. Đây là việc mà cấp xã rất khó thực hiện. Ngay cả trong đội ngũ cán bộ công chức cũng còn một số chưa thấy hết vai trò trách nhiệm…
Theo kế hoạch, từ nay đến ngày 29.8.2007, Đoàn khảo sát của Ban Pháp chế - HĐND tỉnh sẽ còn tiếp tục làm việc ở một số xã của hai huyện Châu Thành và Tân Biên.
Thuỷ Tiên