Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Tích cực tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người

Thứ năm - 31/05/2012 00:00 93 0

Hiện nay dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố, chủ yếu trên đàn thuỷ cầm chưa được tiêm phòng; đã có 5 trường hợp mắc cúm A (H5N1) ở người, trong đó có 2 người tử vong. Trong khi đó nhiều địa phương vẫn còn chủ quan, lơ là công tác phòng chống dịch, người dân chưa tự giác, tích cực khai báo dịch và tiêm phòng cho gia cầm, vẫn tiếp xúc, giết mổ, sử dụng gia cầm bị bệnh, chết. Đây là nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng và lây lan sang người.

Để chấm dứt tình trạng trên, ngày 3.7.2007 Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh ký Văn bản số 1045/UBND-KTTH yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành  tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, huy động mọi nguồn lực để triển khai đồng bộ có hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Chấn chỉnh lại Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, tăng cường công tác kiểm tra trên địa bàn các huyện thị; Quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cấp chính quyền, kể cả xóm, ấp nếu để xảy ra dịch tại địa phương.

Cùng với việc khôi phục, chấn chỉnh Ban chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch tại cơ sở, các huyện, thị xã phải phối hợp các ngành liên quan, tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào tỉnh ta, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm; Lực lượng thú y kiểm soát chặt chẽ về thú y trong vận chuyển, giết mổ gia cầm, nhất là tại các khu đô thi, đông dân cư nơi có nguy cơ cao, xử lý nghiêm các trường hợp bán chạy dịch, cho hoặc phát tán gia cầm bị bệnh, chết. Phát hiện sớm các ổ dịch ở cơ sở, hộ dân cư, phải tiêu huỷ ngay khi có gia cầm bệnh, chết, nghi mắc bệnh hoặc phát hiện đàn thuỷ cầm nhiễm vi-rút H5N1 và hỗ trợ kịp thời theo quy định hiện hành cho người chăn nuôi có gia cầm bị tiêu huỷ; áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, kiên quyết bao vây, dập tắt ổ dịch ngay từ đầu, không để dịch bệnh lây lan...

Chủ tịch UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Sở NN&PTNT tổ chức lại công tác tiêm phòng theo hướng tiêm phòng triệt để, đặc biệt là thuỷ cầm ở vùng nguy cơ cao và vùng tiêm phòng bắt buộc, phải có sổ quản lý thuỷ cầm nuôi theo lối chạy đồng, kiểm tra, đánh giá toàn diện hiệu quả tiêm phòng thời gian qua; khuyến cáo người chăn nuôi giảm đàn khi có dịch, mở rộng các mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp tập trung; Sở Y tế có kế hoạch, biện pháp chủ động phát hiện, xử lý ngay tại cơ sở các trường hợp nhiễm cúm A (H5N1) ở người. Một số ngành liên quan cũng được giao trách nhiệm thực hiện các công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức cho người dân, cũng như việc thống nhất, bổ sung chính sách hỗ trợ phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm A ở người.

PV
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây