CHỦ TỊCH VÀ CÁC PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH LÀM VIỆC VỚI CÁC HUYỆN, THỊ

Thứ năm - 31/05/2012 00:00 54 0

Trong 2 ngày 25 và 26.7.2006 các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, cùng với lãnh đạo các sở, ngành tỉnh chia thành 4 đoàn đã trực tiếp đến tất cả các huyện, thị trong tỉnh để khảo sát kết quả hoạt động điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội – an ninh quốc phòng 7 tháng vừa qua. Đồng thời UBND tỉnh và các ngành cũng lắng nghe phản ánh của địa phương về những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại để có hướng chỉ đạo, tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch nhà nước trong những tháng còn lại của năm 2006.

THỊ XÃ TÂY NINH: QUẢN LÝ ĐÔ THỊ CÒN NHIỀU BẤT CẬP

Làm việc với UBND thị xã Tây Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Nên cùng đoàn đã nghe ông Trương Văn Đúng- Chủ tịch UBND thị xã báo cáo: 7 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng của thị xã ước đạt 17%, cơ cấu kinh tế có chuyển theo hướng tích cực với giá trị sản xuất các ngành đều có mức tăng trưởng khá. Tuy nhiên, Thị xã cũng có những hạn chế như: ngân sách thu đạt kế hoạch nhưng lại giảm so với cùng kỳ; tiến độ XDCB chậm, công tác đền bù, giải toả, tái định cư gặp một số vướng mắc; công tác quản lý đô thị vẫn còn nhiều bất cập; cải cách hành chính đạt hiệu quả chưa cao; thực hiện chương trình mục tiêu 4 giảm có mặt chưa hiệu quả; hoạt động các loại hình văn hoá và dịch vụ văn hoá còn nhiều phức tạp… Để có thể hoàn thành tốt kế hoạch năm 2006, UBND thị xã kiến nghị UBND tỉnh phân cấp lại ngân sách cho thị xã theo hướng để lại đủ chi cho công tác đầu tư XDCB; phân cấp cho thị xã về quản lý quy hoạch; điều chỉnh giá đền bù về vật kiến trúc, hoa màu, cây trái…

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh nhận định thị xã là đơn vị hành chính có tính đặc thù, là trung tâm kinh tế- văn hoá của tỉnh, cần tích cực, năng động, sáng tạo để vươn lên bằng chính năng lực của mình. Thị xã cần phải mở rộng hơn các mối quan hệ để thu hút nhiều nguồn đầu tư phát triển. Đặc biệt, thị xã cần nghiên cứu chọn trọng tâm bứt phá để phát triển nhanh hơn. Cuối cùng Chủ tịch UBND tỉnh nhắc nhở thị xã cần tập trung thực hiện tốt hoạt động cải cách hành chính, lãnh đạo thị xã cần tăng cường công tác tiếp dân và đẩy mạnh tuyên truyền cho dân hiểu rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước…

HOÀ THÀNH: VƯỚNG MẮC CHỦ YẾU LÀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Nên làm việc tại huyện Hoà Thành. Báo cáo của UBND huyện cho biết: tính đến ngày 20.7.2006 tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện Hoà Thành đạt gần 25,7 tỷ đồng, tăng 22,25% so cùng kỳ năm trước và đạt 55,37% KH; Tăng trưởng GDP đạt 14,48%, giá trị sản xuất nông nghiệp và công nghiệp – xây dựng vượt kế hoạch; một số mặt công tác đạt kết quả cao như cấp các loại giấy chứng nhận QSSĐ đạt từ 92,34% đến 94,08%; cải cách hành chính có tiến bộ, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của công dân đạt 99,8%... Tuy nhiên theo phản ánh của UBND và các ngành huyện, Hoà Thành còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực xây dựng cơ bản, tài nguyên môi trường như một số công trình chậm triển khai (đường Trường Hoà - Chà Là, đường 797 đoạn cua Lý Bơ- Báo Quốc Từ…), việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, việc triển khai các cụm công nghiệp v.v… Chủ yếu vướng mắc trong các lĩnh vực này là do “cách hiểu của huyện và của các sở, ngành tỉnh còn chưa đồng nhất” về các thủ tục hành chính.

Ông Nguyễn Văn Lỹ, Chủ tịch UBND huyện Hoà Thành đặt vấn đề cho đến nay trụ sở nhiều cơ quan huyện Hoà Thành vẫn còn nằm trên đất thị xã, đề nghị UBND tỉnh cho phép huyện chuyển đổi quy hoạch, thay vì đặt trụ sở UBND huyện tại trường Lý Thường Kiệt thì xin chuyển sang Trường CĐSP cũ để tiết kiệm phần xây dựng. Tuy nhiên về việc này, ông Nguyễn Xuân Mai, Giám đốc Sở XD cho rằng Trường CĐSP cũ xây dựng kiên cố theo quy cách trường học, không phù hợp với trụ sở làm việc, sửa chữa rất tốn kém, trong khi đó cơ sở vật chất trường Lý Thường Kiệt đã xuống cấp, xây dựng trụ sở huyện tại đây để cho trường LTK chuyển sang Trường CĐSP thì hợp lý hơn, tiết kiệm hơn. Giải quyết việc này Chủ tịch UBND tỉnh khuyên Hoà Thành không nên thay đổi quy hoạch, đồng thời tạm chấp nhận tiếp tục làm việc ở trụ sở hiện nay vì sắp tới tỉnh sẽ báo cáo Trung ương về tình hình sắp xếp địa giới hành chính để phấn đấu xây dựng Thị xã Tây Ninh thành đô thị loại 3, do đó có thể địa giới sẽ còn thay đổi, lúc đó sẽ thay đổi quy hoạch cho phù hợp. Về hướng phát triển tới, Chủ tịch UBND tỉnh gợi ý Hoà Thành nên tập trung cho việc phát triển Trung tâm thương mại Long Hoa theo hướng hiện đại bằng cách liên kết với những tập đoàn thương mại lớn như Saigon Coop, có như vậy huyện mới phát huy được tiềm năng thương mại du lịch trong giai đoạn hội nhập kinh tế hiện nay.

TRẢNG BÀNG: ĐÀN BÒ SỮA CÓ DẤU HIỆU HỒI PHỤC

Đoàn của Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Hùng Việt làm việc tại huyện Trảng Bàng vào sáng 25.7. Lãnh đạo huyện Trảng Bàng đã báo cáo kết quả hoạt động 7 tháng qua: Sản xuất nông nghiệp đạt kế hoạch đề ra. Đáng kể nhất, đàn bò sữa sau khi sụt giảm, do chăn nuôi không có hiệu quả, nay lại tăng lên được 800 con, đạt trên 88,8% kế hoạch năm. Kiến nghị với UBND và các sở ngành tỉnh, Trảng Bàng đặt ra nhiều vấn đề rất thiết thực: Đề nghị tỉnh ban hành các quyết định thu hồi đất của các dự án: Khu tái định cư N26-14, Đường An Thạnh- Trà Cao, Bờ kè kênh chợ cũ, Đường An Phú Khương- Suối Sâu; Hỗ trợ vốn chương trình mục tiêu kiên cố hoá trường lớp; Phê duyệt điều chỉnh sân bóng đá huyện; Đưa quy hoạch cụm công nghiệp Sở thầy Bảy vào quy hoạch các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Cho phép huyện quy hoạch đô thị ở Bình Thạnh (Trảng Bàng) và có đầu tư hạ tầng để Bình Thạnh trở thành thị trấn thứ hai của huyện…

GÒ DẦU: THƯƠNG MẠI-DỊCH VỤ PHÁT TRIỂN NHANH

Buổi chiều, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Hùng Việt làm việc với UBND huyện Gò Dầu. Theo báo cáo của UBND huyện Gò Dầu, nhìn chung tình hình kinh tế-xã hội trong 7 tháng qua phát triển tương đối tốt. Các chỉ tiêu cơ bản đạt yêu cầu kế hoạch. Thu ngân sách đạt trên 50%. Đáng lưu ý thương mại dịch vụ phát triển mạnh, so với cùng kỳ năm trước tăng hơn 12%. Tại buổi làm việc lãnh đạo huyện Gò Dầu đề nghị tỉnh cần có hướng giải quyết dứt điểm những vụ tranh chấp đất đai kéo dài; Giải quyết cụ thể trường hợp chia lô đất công cho cán bộ công nhân viên xây nhà của Công ty Quản lý và Sửa chữa đường bộ 742 ở ấp Trâm Vàng, xã Thanh Phước; Sớm xem xét phê duyệt dự án xây dựng trường THCS II thị trấn Gò Dầu (trường THCS hiện tại đã quá tải từ 3 năm nay); sớm xem xét cho chủ trương giải pháp mời gọi đầu tư vào khu vực đất của khuôn viên UBND huyện cũ và trụ sở Công an huyện cũ. Ngoài ra huyện còn đề nghị ngành chức năng tỉnh xem xét giải quyết những bức xúc của dân về việc đền bù giải toả, xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đê bao….

Sau khi nghe báo cáo và các kiến nghị của UBND các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu và ý kiến giải trình của các sở, ngành chức năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Hùng Việt đánh giá cao những thành tựu mà các huyện đã đạt được trong thời gian qua và  phấn khởi khi biết việc chăn nuôi bò sữa ở Trảng Bàng đang bắt đầu có hướng khả quan và lĩnh vực thương mại dịch vụ ở Gò Dầu phát triển khá nhanh. Đồng thời PCT-UBND tỉnh cũng giải trình, ghi nhận những ý kiến đề nghị của các huyện và hứa sẽ có hướng giải quyết trong thời gian tới.

ST - NTH - DH

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây