Theo tinh thần Chỉ thị số 26/CT-UBND về một số biện pháp phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa vừa ban hành ngày 7.11.2006, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo; giám sát chặt và theo dõi phát hiện kịp thời sự xuất hiện của rầy nâu để diệt trừ, không để rầy nâu phát tán truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Chỉ thị còn yêu cầu ngành chức năng cung cấp kịp thời các tài liệu và tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ có hiệu quả; Triển khai kế hoạch thực hiện chương trình “3 giảm, 3 tăng” trên địa bàn tỉnh và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh.
Đối với UBND các huyện, thị xã, UBND tỉnh đề nghị thành lập ngay ban chỉ đạo phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp phòng trừ cấp bách. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt vụ sản xuất đông xuân 2006- 2007, đồng thời vận động, phát động, tổ chức nông dân đồng loạt ra quân vệ sinh đồng ruộng, hướng dẫn gieo sạ đúng theo lịch thời vụ, kiên quyết không để nông dân tự phát gieo sạ sớm hơn thời gian quy định. Khi phát hiện có rầy nâu, tổ chức phun xịt thuốc đồng loạt trên diện rộng theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, không phun xịt lẻ tẻ. Nếu phát hiện bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lẻ tẻ thì nhổ bỏ ngay. Khi phát hiện diện tích bị nhiễm nặng thuộc diện tiêu huỷ bắt buộc, phải huy động mọi nguồn lực tại địa phương tiến hành tiêu huỷ theo quy định.
Ngành chức năng tổ chức quy hoạch phát triển cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày phù hợp với điều kiện canh tác, thổ nhưỡng của địa phương. Tích cực tìm đầu ra cho nông sản để vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh theo hướng giảm dần diện tích lúa, nhất là vùng sản xuất lúa năng suất thấp và tăng diện tích cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày.
PV