Hội nghị Hợp tác thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ II: Phát triển thương mại, xây dựng biên giới ổn định, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển

Thứ năm - 31/05/2012 00:00 68 0

Hôm qua 16.3.2009, Hội nghị Hợp tác thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ II đã diễn ra tại Phnôm Pênh, thủ đô Vương quốc Campuchia. Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng cao cấp - Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Cham Prasidh cùng các đoàn đại biểu của các tỉnh biên giới Việt Nam và Campuchia. Đoàn đại biểu tỉnh Tây Ninh gồm lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch, BQL các khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát và Tổng công ty thương mại Sài Gòn do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Hùng Việt dẫn đầu tham dự hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng khẳng định: "Hội nghị này là một hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Công thương nước CHXHCN Việt Nam với Bộ Thương mại Vương quốc Campuchia nhằm phát triển kinh tế - thương mại biên giới giữa hai nước, cải thiện đời sống kinh tế, văn hoá-xã hội, xoá đói giảm nghèo cho nhân dân vùng biên giới của hai nước, xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia ổn định, hoà bình và phát triển".

Nhiều đại biểu đại diện hai Bộ và các tỉnh biên giới của hai nước đã phát biểu nhiều ý kiến đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, vướng mắc và những đề xuất về biện pháp tháo gỡ nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa thương mại biên giới giữa hai nước tương xứng với tiềm năng hiện có.

Thay mặt đoàn đại biểu tỉnh Tây Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Hùng Việt phát biểu cho biết: Năm 2008 kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu Tây Ninh đạt gần 580 triệu USD. Tại Tây Ninh, 2 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài và Xa Mát), 3 cửa khẩu quốc gia và cửa khẩu phụ Vạc Xa đã thông quan cho người, phương tiện, hàng hoá của Việt Nam, Campuchia xuất nhập qua biên giới. 8 cửa khẩu còn lại tuy chưa bố trí các lực lượng chức năng quản lý cửa khẩu nhưng vẫn giải quyết cho cư dân biên giới được mua bán, trao đổi hàng hoá. Tây Ninh đã có 23 chợ/20 xã biên giới, góp phần thúc đẩy mua bán hàng hoá của cư dân 2 nước. Các ngành chức năng như hải quan, biên phòng, kiểm dịch, công an, y tế… phối hợp chặt chẽ với nhau, thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về biên mậu, tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp, nhân dân, khách du lịch và hàng hoá qua lại biên giới dễ dàng, thuận lợi. Đồng thời kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hoá trái phép qua biên giới. Nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa Tây Ninh và các tỉnh bạn, các ngành, huyện, xã đã hỗ trợ các địa phương đối diện về vật chất và tạo điều kiện cho nhân dân qua lại thăm thân nhân, trị bệnh, trao đổi hàng hoá. Tây Ninh đã hỗ trợ 450.000 USD cho tỉnh Kompong Chàm làm đường Hữu nghị Tây Ninh - Kompong Chàm và 1,5 tỷ đồng làm đường sỏi đỏ từ cửa khẩu Phước Tân - Bố Môn đi ngã ba Sake, tỉnh Svay Riêng. Quan hệ thương mại, kinh tế cũng như xã hội, quốc phòng, an ninh giữa Tây Ninh và các tỉnh bạn ngày một khởi sắc. Tại hội nghị, ông Võ Hùng Việt đề xuất một loạt kiến nghị liên quan đến hỗ trợ vốn để xây dựng, nâng cấp các cửa khẩu, chợ đường biên; điều chỉnh chính sách thuế cho phù hợp thực tế, chính sách với hàng hoá kinh doanh tại các khu kinh tế cửa khẩu; cho phép phương tiện vận tải vào sâu trong tỉnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí và thiệt hại. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cũng trình bày những nhóm giải pháp về an ninh chính trị - trật tự xã hội, kinh tế và văn hoá - xã hội để thúc đẩy phát triển bền vững vùng biên giới. Những đề xuất, kiến nghị của Tây Ninh được hội nghị đánh giá cao.

Chiều cùng ngày, Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Thương mại Campuchia đã ký Văn bản ghi nhớ về những nội dung mà hội nghị đã thảo luận và thống nhất, làm cơ sở cho hai Bộ và các tỉnh biên giới triển khai các hoạt động phối hợp cũng như kiến nghị lên Chính phủ hai nước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để phát triển mạnh mẽ hơn nữa thương mại giữa biên giới hai nước, góp phần xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển.

T.H.H
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây