Đất nước hoà bình, ổn định, nền kinh tế xã hội phát triển ngày càng cao để tiến đến mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đồng hành theo đó là việc tăng tốc phát triển đô thị hoá. Tuy nhiên, thực tiễn những năm gần đây cho thấy, việc phát triển công nghiệp, đô thị càng nhanh thì cái giá phải trả càng lớn. Đó là vấn nạn môi trường sinh thái bị xâm hại vì không được bảo vệ đúng mức. Tại Tây Ninh, do xuất phát điểm thấp, cần ưu tiên phát triển hạ tầng: điện, thuỷ lợi, đường giao thông… nhất là hạ tầng nông thôn và sự nghiệp phúc lợi dân cư về giáo dục, y tế… nên tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá có đi chậm một bước.
Thế nhưng, sự chậm chân này lại là lợi thế để xây dựng và phát triển đô thị theo hướng bền vững và bảo tồn sinh thái, môi trường. Hội thảo “Tầm nhìn Đô thị sinh thái” do UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức diễn ra hôm nay 11.6.2009 sẽ đem lại điều gì đối với hướng phát triển tương lai của tỉnh? Chúng tôi đặt ra vấn đề này với ông TRẦN HỮU HẬU, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại Tây Ninh trong bài phỏng vấn sau:
- Thưa ông, việc phát triển đô thị trong thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước là điều mọi người đều cảm nhận được. Tuy nhiên, “đô thị sinh thái” quả là một vấn đề rất mới mẻ. Ông có thể cho biết về ý tưởng mở ra hội thảo “Tầm nhìn đô thị sinh thái” hôm nay?
- Chúng ta đều biết, quá trình công nghiệp hoá trên thế giới đã tạo ra những tác nhân làm biến đổi khí hậu toàn cầu, mà tác hại của nó là những biến đổi bất thường của thời tiết tác động tiêu cực tới cuộc sống xã hội của tất cả các quốc gia. Riêng ở nước ta cũng đã xảy ra nhiều hệ luỵ của công nghiệp hoá, đô thị hoá như vấn đề sông Thị Vải ở Đồng Nai hay nhiều con kênh đang “chết” ở Bình Dương, TP.HCM… Đó là những bài học “nhãn tiền” đối với Tây Ninh, nhất là trong giai đoạn tỉnh ta tăng tốc phát triển hiện nay. Có thể nào chúng ta phát triển mà hạn chế được, hay cao hơn là tránh được, không phải trả giá bằng sự xâm hại môi trường? Điều này, trong chương trình hợp tác phát triển vùng Việt Nam - Nhật Bản mà Tây Ninh đã tham gia, tổ chức hai hội thảo ở Nhật Bản và ở Việt Nam đều có đặt ra. Và phía bạn Nhật Bản đã gợi ý, trao đổi với chúng ta nhiều vấn đề rất bổ ích trong việc quy hoạch phát triển đô thị, công nghiệp.
Gần đây, cuối năm 2008 UBND tỉnh Tây Ninh cấp phép cho tập đoàn Bourbon của Pháp cùng với các thành viên khác xúc tiến đầu tư xây dựng khu công nghiệp Bourbon An Hoà. Theo dự án này Công ty cổ phần Bourbon An Hoà sẽ tiến hành xây dựng một “Vườn công nghiệp”, hay còn gọi là “Khu công nghiệp sinh thái” ở xã An Hoà, huyện Trảng Bàng. Đây là một quan niệm rất mới, một cách làm rất mới, mở ra triển vọng công nghiệp hoá mà vẫn bảo tồn được hệ sinh thái, hạn chế tác động môi trường. Dự án này được triển khai chỉ cách trung tâm thị trấn huyện Trảng Bàng 5 km và nằm ngay cạnh đường xuyên Á và sông Vàm Cỏ Đông, sắp tới còn có đường Hồ Chí Minh chạy ngang qua vùng dự án. Do vậy tất yếu sẽ kéo theo sự phát triển đô thị hoá ở Trảng Bàng nói riêng và các huyện phía Nam tỉnh Tây Ninh nói chung. Như thế lẽ nào xây dựng “khu công nghiệp sinh thái” mà lại không đi cùng với việc xây dựng “đô thị sinh thái”? Xuất phát từ ý tưởng này, vào tháng 4.2009, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch tỉnh Tây Ninh, UBND huyện Trảng Bàng và Công ty CP Bourbon An Hoà đã phối hợp tổ chức tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm của thành phố Kitakyushyu, một thành phố được xem là mô hình mẫu mực về đô thị sinh thái ở Nhật Bản. Và hôm nay, UBND tỉnh Tây Ninh mở Hội thảo này để tham khảo ý kiến các chuyên gia, các nhà quy hoạch đô thị trong, ngoài nước về việc phát triển bền vững không chỉ riêng ở Trảng Bàng, mà có thể mở ra tầm nhìn mới, hướng đi mới cho toàn tỉnh Tây Ninh về quy hoạch, phát triển đô thị.
- Như vậy, hội thảo sẽ có mặt các chuyên gia nào và họ sẽ nói về những chuyện gì?
-Với mục đích, yêu cầu như tôi đã nói, hội thảo “Tầm nhìn đô thị sinh thái” có thành phần tham dự và nội dung xoáy sau vào chủ đề này như: Trong nước thì có lãnh đạo và chuyên gia của Cục Quy hoạch đô thị Bộ Xây dựng, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Viện Quy hoạch & Xây dựng TP.HCM, Hội Quy hoạch & Phát triển đô thị TP.HCM, Sở Kiến trúc TP.HCM… Phía nước ngoài có lãnh đạo và chuyên gia Tổ chức Foundation of the Future (Singapore), đại diện Toà Thị chính và ngành quản lý đô thị thành phố Kitakyushyu (Nhật Bản) cùng một số đại biểu đối tác của Công ty CP Bourbon An Hoà… Đây là những cán bộ, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về quy hoạch đô thị và bảo tồn sinh thái, họ sẽ có các tham luận như: vấn đề biến đổi khí hậu và chiến lược xây dựng đô thị bền vững, nguy cơ sinh thái biến đổi khí hậu và các giải pháp. Đặc biệt là những tham luận chuyên sâu về thiết kế và quy hoạch cho một đô thị sinh thái và mô hình thiết kế khu công nghiệp sinh thái. Đây là những nội dung đang được triển khai tại “Vườn công nghiệp Bourbon An Hoà” và trước mắt, sau hội thảo này tỉnh sẽ triển khai thí điểm xây dựng “đô thị sinh thái” tại thị trấn Trảng Bàng.
- Xin cảm ơn ông.
(Theo Tây Ninh Online)